Hà Nội đề xuất được chủ động trong thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích

13/07/2016 2:27 PM

(Chinhphu.vn) – TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được chủ động trong trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích, trong đó có 1 di tích được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, 11 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích quốc gia và 1.202 di tích cấp tỉnh. Với số lượng này, Hà Nội là địa phương có di tích trong danh mục kiểm kê lớn nhất cả nước, số lượng di tích cần tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp là rất lớn.

Theo quy định hiện hành, đối với việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ di tích ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về di sản, còn phải tuân thủ các văn bản liên quan về xây dựng và đầu tư công. Theo đó, các di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc bieẹt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, thỏa thuận chủ trương và thẩm định dự án. Tuy nhiên, trong thực tiễn do các quy định của pháp luật chuyên ngành văn hóa và xây dựng chưa thống nhất, trình tự thực hiện không cụ thể, dẫn đến thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt kéo dài, quy trình phức tạp, nhiều điểm còn chồng chéo; không đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước tại địa phương.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay, để thuận lợi cho việc thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích, Hà Nội rất cần chủ động trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế thực hiện đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương dự án tu bổ di tích. Cụ thể, về phê duyệt: Dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo khoản 3, điều 17 Luật Đầu tư công, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện liên thông thủ tục thẩm định, thỏa thuận chuyên ngành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giao HĐND cấp thành phố, cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ di tích sử dụng vốn đầu tư công (không bao gồm dự án nhóm A) theo quy định của Luật Đầu tư công và phân cấp quản lý của thành phố Hà Nội. Giao UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn đầu tư công và dự án nhóm C không trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công.

Về cơ chế thực hiện công tác thẩm định: Cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương dự án các cấp của thành phố được phép thực hiện liên thông việc thẩm định, thỏa thuận chuyên ngành theo điều 17 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.

Về thẩm định dự án, thiết kế cơ sở của Dự án: Giao Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng (bao gồm dự án nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); quá trình thực hiện Sở Xây dựng liên thông thẩm định, thỏa thuận chuyên ngành văn hóa với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội theo điều 17 của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP. Về phê duyệt dự án: Căn cứ chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, giao UBND các cấp phê duyệt theo phân cấp quản lý của Thành phố (tất cả các nguồn vốn đầu tư).

(Theo HN Portal)

Top