Hà Nội đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất

15/11/2019 6:24 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội vừa đề xuất tăng 30% giá đất cho chu kỳ 5 năm tới. Tuy nhiên bảng giá đất Hà Nội ban hành hiện nay được đánh giá là quá thấp so với giá thị trường, nên dù có tăng tối đa 30% cũng không thể thu hẹp khoảng cách với giao dịch thực tế.

* Kiến nghị điều chính giá đất phù hợp với thực tế

TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường. Ảnh: Thùy Chi

UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất, sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn Thành phố, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024. Dự thảo Nghị quyết bảng giá đất nêu trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 12/2019.

Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2, áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019 là 162 triệu đồng/m2). Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.

TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường; góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai; hài hoà lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, bảng giá đất mà UBND TP. Hà Nội dự kiến áp dụng còn thấp hơn nhiều so với mức giá đang giao dịch trên thị trường.

Theo ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức điều chỉnh 30% này chưa sát với thị trường. Bởi theo dự tính khung giá đất của Chính phủ, khu vực cao nhất là 340 triệu đồng/m2. Trên thực tế, giá đất tại Hàng Ngang, Hàng Đào là 700-800 triệu đồng/m2, trong khi đó Hà Nội đề xuất cũng chỉ có 210 triệu đồng/m2.

“Như vậy, giá này thấp hơn rất nhiều so với khung giá của Chính phủ. Đồng thời thấp hơn rất nhiều so với giá trị trường. Tức là thấp hơn giá trị thật mà chúng ta cần hướng tới rất nhiều lần”, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, mọi người đang nhầm lẫn khi tăng bảng giá đất của Nhà nước thì giá thị trường sẽ xuống. Trên thực tế, nếu ta giảm giá đất của nhà nước thì giá thị trường sẽ tiếp tục lên, điều này sẽ càng đẩy mạnh đầu cơ. “Giảm bảng giá của nhà nước có nghĩa là giảm thuế, giảm thuế thì tình trạng đầu cơ sẽ lớn”, ông Võ giải thích, đồng thời cho rằng mức tăng 30% không có tác động gì tới thị trường bất động sản.

Ngoài ra, theo ông Võ, giao đất không thông qua đấu giá cũng sẽ làm lợi cho các chủ đầu tư, nếu tăng lên ở mức độ như dự thảo cũng không giải quyết được bức xúc về giá đất. “Cách để giải quyết được thì giá đất phải tăng bằng đúng thị trường, có như vậy mới hạn chế được đầu cơ”, ông Võ nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá thị trường của Công ty Gachvang (Công ty chuyên nghiên cứu về mặt bằng giá đất), các tuyến đường quanh phố đi bộ Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2019, với giá đất bình quân 541,6 triệu đồng/m2. Thậm chí, ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, giao dịch ở mức 500 - 800 triệu đồng/m2, có không ít nơi giá còn lên đến hơn 1 tỉ đồng/m2. Giá đất này có thể so sánh ngang ngửa với đất tại các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới như New York, Paris hay Tokyo.

Tại Hà Nội, sau khi thành phố công bố quy hoạch, do chính sách hạn chế cấp phép các dự án thấp tầng ở nội đô, thì giới đầu tư nhà đất tại 4 quận trung tâm, khách hàng chuyển qua “săn” đất tại các quận liền kề như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai...

Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, giá nhà phố những tháng qua tại Hà Nội đã tăng giá đáng kể, mức tăng 3 - 5% tại quận Cầu Giấy, Đống Đa. Còn ở 4 quận trung tâm nội thành, do đã thiết lập mặt bằng giá cao ngất ngưởng như: Ba Đình, Hai Bà Trưng đều ghi nhận biên độ tăng giá thấp nhất, dao động từ 2 - 2,8%. Ngược lại, những quận, huyện lân cận trung tâm lại có biên độ tăng lớn hơn, thậm chí có nơi tăng 10 đến 30% chỉ sau một năm như: Đông Anh, Hoài Đức, Long Biên...

Nhìn nhận việc điều chỉnh giá đất của Hà Nội tác động tới thị trường bất động sản, chuyên gia bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group nhận định, với việc điều chỉnh giá đất, 4 quận trung tâm sẽ giữ ổn định, hoặc chỉ tăng nhẹ. Còn các huyện ngoại thành sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. “Tôi đánh giá, mức giá bất động sản nhà phố ở khu vực các quận lân cận với 4 quận trung tâm, huyện ngoại thành có thể tăng 20% - 30% trong thời gian tới”.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường là cần thiết để bảng giá tiếp cận gần hơn với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất.

Thùy Chi

Top