Hà Nội đồng ý mời đơn vị nước ngoài tham gia phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực

12/02/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, đã xin ý kiến UBND TP. Hà Nội và được đồng ý mời đơn vị ở nước ngoài tham gia phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), nếu không có đơn vị nào trong nước tham gia thiết kế phương án phá dỡ.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thùy Chi

Liên quan đến việc chậm trễ trong việc phá dỡ những tầng xây vượt quá quy định tại tòa nhà 8B Lê Trực - công trình sai phạm gây bức xúc dư luận thời gian qua, ông Tạ Nam Chiến cho biết, cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho lắp cẩu tháp để triển khai cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực gồm tầng 17 và 18. Tuy nhiên, dù rất tích cực tìm kiếm nhưng đến nay, quận Ba Đình vẫn chưa tìm được đơn vị nhận thiết kế phương án phá dỡ.

Sau khi tìm được đơn vị lập phương án phá dỡ, sẽ cho thẩm định lại rồi mới đưa ra phương án phá dỡ cụ thể để phê duyệt. Lúc này mới đến bước tìm kiếm đơn vị thi công phá dỡ để thực hiện.

Chia sẻ nguyên do khiến việc tìm kiếm gặp khó khăn, ông Tạ Nam Chiến cho hay, kết cấu kỹ thuật tòa nhà rất phức tạp, việc phá dỡ lại phải bảo đảm an toàn cho phần giữ lại sử dụng. Do đó, đây có thể là lý do khiến ít đơn vị mặn mà với việc tham gia xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.

Để sớm giải quyết được vấn đề này, ông Chiến cho biết, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý phương án mời đơn vị nước ngoài tham gia nếu không tìm được đơn vị trong nước. Khi tìm được đơn vị thiết kế phá dỡ công trình sẽ thông tin công khai để mọi người biết.

Trả lời về việc vì sao gần 4 năm qua, công trình 8B Lê Trực tồn tại khối bê tông sừng sững gây mất mỹ quan đô thị, nhưng vẫn bế tắc phương án xử lý, ông Chiến cho biết quận Ba Đình rất nỗ lực xử lý, nhưng vụ việc rất phức tạp nên không thể xử lý nhanh. Bên cạnh đó, quá trình xử lý, chủ đầu tư công trình đã có những phản biện về mặt pháp lý nên không thể đẩy nhanh tiến độ.

Cụ thể, Công ty Cổ phân May Lê Trực cho rằng, theo quy hoạch 1/500 được duyệt, công trình tại 8B Lê Trực được xây dựng cao 69,1 m với 20 tầng nổi, 4 tầng hầm. Từ năm 2010, chủ đầu tư đã thi công xong phần móng và nhiều hạng mục đúng theo quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, sau đó quận Ba Đình đình chỉ thi công, yêu cầu xin giấy phép xây dựng.

Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp năm 2014 là không đúng quy định về tiêu chuẩn xây dựng khi cấp cho 18 tầng nổi mà chiều cao công trình chỉ là 53 m, khiến trung bình mỗi tầng không bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng cho các công năng ở, văn phòng, trung tâm thương mại.

Ông Chiến cũng cho biết, phía chủ đầu tư cho rằng, cần căn cứ theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt để làm căn cứ pháp lý cho việc xây dựng cũng như xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực. Tuy nhiên, theo quan điểm của quận Ba Đình là phải căn cứ vào giấy phép xây dựng và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội theo quy định pháp luật.

Đối với việc nhiều người mua căn hộ tại 8B Lê Trực phản ánh, chủ đầu tư 8B Lê Trực đã bán phần lớn căn hộ thuộc toà nhà cho cư dân, nên chủ sở hữu hợp pháp toà nhà phải là người dân đã mua căn hộ ở đây. Trong suốt 5 năm qua, việc xử lý toà nhà, những người chủ thực sự của các căn hộ đã bị bỏ quên, không được tham gia ý kiến vào quá trình xử lý sai phạm của các bên liên quan.

Theo ý kiến của ông Tạ Nam Chiến, việc thông báo đến những người dân đã mua nhà là việc của chủ đầu tư. “Những người dân mua nhà ở 8B Lê Trực là hợp đồng giao dịch giữa chủ đầu tư và các hộ dân mua nhà. Đây mới chỉ là tài sản hình thành trong tương lai, bởi công trình này chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu về mặt kĩ thuật, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Do đó, công trình chưa được đưa và sử dụng và người dân chưa được cấp giấy về sở hữu nhà. Đây chỉ là quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà, chính chủ đầu tư phải là người trả lời các hộ dân về thời gian bàn giao nhà”, ông Chiến cho hay.

* Liên quan đến vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP. Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm để " bảo đảm kỷ cương, pháp luật". Được biết, từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của bên liên quan) và yêu cầu khẩn trương xử lý công trình, bộ phận công trình vi phạm bảo đảm đúng hạn, báo cáo UBND TP. Hà Nội. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc triển khai thực hiện; Công ty CP May Lê Trực nghiêm túc phối hợp với UBND quận Ba Đình khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thùy Chi

Top