Hà Nội đủ hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua tích trữ

31/03/2020 5:00 PM

(Chinhphu.vn) – Hiện hệ thống các siêu thị trên địa bàn Thành phố vẫn luôn hoạt động, đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân, bảo đảm không tăng giá, và người dân vẫn có thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm,... Do vậy, người dân không cần phải đi mua hàng tích trữ.

Người dân đi mua hàng tại siêu thị chiều 31/3. Ảnh: Thùy Linh

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...”. Như vậy, có thể thấy, việc người dân đi mua đồ ăn, thực phẩm, thuốc men vẫn diễn ra và các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu, hàng thực phẩm vẫn mở cửa phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên vào chiều 31/3 cho thấy, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như AEON Long Biên, Vinmart ,… có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại lối vào, siêu thị Aeon Long Biên phân luồng mềm ngăn cách người vào và ra siêu thị, bảo đảm tránh ùn tắc và dễ dàng cho việc đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay. 2 cửa vào siêu thị luôn có 2-3 nhân viên nhắc nhở việc đi đúng luồng, giữ khoảng cách 2m, đo thân nhiệt bảo đảm tránh lây lan dịch bệnh.

Bên trong siêu thị Aeon liên tục phát loa thông báo về việc thời gian tới tiếp tục mở cửa như bình thường để người dân yên tâm mua sắm. Đồng thời nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách nhất là tại khu vực chờ thanh toán.

Tuy nhiên, việc duy trì khoảng cách 2m an toàn chỉ duy trì tại cổng vào-ra, trong khi tại quầy thanh toán đa số khách hàng đứng sát nhau. Ngoài 30 quầy thanh toán hiện có, để việc thanh toán được thuận tiện và nhanh chóng siêu thi này mở thêm quầy nhiều quầy thanh toán mới ngay lối ra. Thịt gà, mì tôm, rau củ, sữa... là các mặt hàng được nhiều người mua.

Tại quầy thịt, các nhân viên liên tục cân, gói phục vụ nhu cầu khách hàng, trong khi tại khu bán mì tôm các thùng hàng mì tôm mới liên tục được nhân viên bổ sung. Một số kệ bắp cải, khoai tây, cà chua hết hàng lúc 15h.

Chị Đỗ Thị Thủy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, khi biết thông tin cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h đêm nay, tôi đã tranh thủ ra siêu thị mua chút đồ. Thực ra cũng là mua đủ ăn trong 2, 3 ngày để hạn chế ra đường chứ không mục đích tích trữ nhiều.

Dẫu biết vậy, nhưng việc người dân đổ xô đi mua đồ thời điểm này khiến tập trung đông người sẽ là không nên trong khi nhiều siêu thị vẫn bảo đảm chuẩn bị đủ lượng hàng phục vụ người dân trong mọi tình huống.

Ảnh: Thùy Linh

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi, chợ trên địa bàn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể: các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành…đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thương đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online (qua website, app trên điện thoại, kênh Đi Chợ Hộ (bán hàng qua điện thoại), đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở). Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn bảo đảm đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retain chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…). Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội trong 3 tháng. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

“Các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng”, bà Lan khẳng định.

Trước đó, họp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan cấp giấy phép cho xe chuyên chở của các doanh nghiệp được đi vào thành phố 24/24... Các cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu, siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đều được yêu cầu mở cửa liên tục phục vụ nhân dân.

Thùy Linh

Top