Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính 2019

19/05/2020 2:12 PM

(Chinhphu.vn) - Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, TP. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 với điểm số 84,64%, chỉ thấp hơn 5,45% so với đơn vị đứng đầu bảng là tỉnh Quảng Ninh, với số điểm 90,09%.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sáng nay (19/5), Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PARINDEX 2019) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ CCHC công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả cụ thể, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019, với điểm số 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là TP. Hà Nội, đạt 84,64%. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả 84,43%, tăng cao hơn 0,72% so với năm 2018. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về TP. Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Bến Tre là địa phương xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố, với kết quả đạt 73,87%...

Tham luận tại điểm cầu TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, công tác CCHC của TP. Hà Nội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, các Chương trình, Kế hoạch CCHC của Thành phố, nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn được đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.

Hà Nội đã chủ động xây dựng xong hệ thống công cụ đánh giá kết quả công tác CCHC thống nhất, đồng bộ trong toàn Thành phố. Năm 2020, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá tính sáng tạo và năng lực điều hành của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã. Đã xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao nhằm xác định rõ kết quả, tiến độ và trách nhiệm của từng Sở, ngành; quận, huyện, thị xã. Triển khai việc xây dựng lịch công tác tuần và đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn Thành phố;…

Về một số kết quả nổi bật trong cải thiện chất lượng cung ứng (DVC) dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các Sở, cơ quan tương đường Sở, UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn (đạt 100%). 100% quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND Thành phố và niêm yết tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC của đơn vị. 100% thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố được tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả Một cửa.

Đồng thời thực hiện việc rà soát, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 154 TTHC trong các lĩnh vực. Lũy kế đến nay, Thành phố đã đơn giản hóa 481 TTHC với số chi phí tiết giảm thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm. Rút ngắn thời gian xử lý công việc, bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn. Tổng số lượng hồ sơ năm 2019 của toàn Thành phố là 11,5 triệu hồ sơ, trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính là 8,7 triệu hồ sơ; số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 2,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 11,4 triệu hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,1%). Riêng trong quý I/2020, tổng số hồ sơ giải quyết là 1,87 triệu hồ sơ; giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 99,8%.

Đã kết nối 48 DVCTT lên Cng DVC Quốc gia

Số lượng TTHC được liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng. Toàn Thành phố có 1.424/1.611 TTHC, đạt 89% (trong đó, 1.044 mức độ 3; 388 mức độ 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC Thành phố đạt hơn 320.000 hồ sơ. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, tổng số hồ sơ DVC mức độ 4 đạt 23,6%.

Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVCTT các cấp trên Thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế); đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã kết nối 48 DVCTT lên Cổng DVC Quốc gia. Phấn đấu hết tháng 6/2020 sẽ đưa thêm 200 DVC lên Cổng DVC Quốc gia.

Triển khai việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các DVC tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử; hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, cho các em học sinh khối THCS nhằm thông qua các em học sinh, thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền để xây dựng “công dân điện tử” và “Thành phố thông minh”; bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về DVCTT mức độ 3, mức độ 4.

Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại tất cả 22/22 sở, ngành Thành phố, 30/30 quận, huyện, thị xã với 16.000 phiếu; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong cung cấp 4 lĩnh vực dân sinh cơ bản như cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế với 12.000 phiếu…

Thùy Linh

Top