Hà Nội hạn chế sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11

30/10/2019 2:25 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019.

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa cho biết, việc làm này nhằm hướng tới mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019.

Bên cạnh đó nhằm thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố; đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, Thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy...và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Đặc biệt không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.

Để đạt mục tiêu này, Thành phố đã giao các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi ni lông; hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử…

Mục tiêu Thành phố đặt ra là đến ngày 31/12/2020 giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn; đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế chất thải nhựa; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Mới xử lý 2/40 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Cũng theo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015-2016 cho thấy, từ tháng 5/2019 đến nay, UBND các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý. Việc này không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu.

Chính vì vậy, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn.

Từ đó quyết liệt chỉ đạo các lực lượng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cường chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng năm 2015-2016 trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định pháp luật.

Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết với UBND Thành phố về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng.

Các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục hồ sơ liên quan các dự án vi phạm để đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ giải quyết các thủ tục theo quy định. Trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn Thành phố.

Gia Huy

Top