Hà Nội hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại

27/05/2019 11:28 AM

(Chinhphu.vn) - Để tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về chỉ số CCHC, Hà Nội đã triển khai toàn diện, đồng bộ công tác CCHC với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ phận Một cửa tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hòa An

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa tổ chức công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS). Theo kết quả này, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%; Hà Nội tiếp tục đứng vị trí thứ hai với kết quả 83,98%.

Cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, để đạt được kết quả trên, Thành phố gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện CCHC.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đã được thực hiện. Cụ thể như ban hành quy định về áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội (Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trong toàn Thành phố việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích).

Thực hiện “cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao chất lượng công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố và các thủ tục liên quan”; theo đó so với quy trình thực hiện trước đây, quy trình mới giúp ngắn thời gian giải quyết, giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục phòng cháy, chữa cháy; từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.  

Tập trung hiện đại hóa hành chính

Nhiều cải cách về TTHC trong các lĩnh vực được thực hiện để phục vụ doanh nghiệp và đời sống dân sinh như: Y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo vệ môi trường… Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai) thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp.

Dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm trực tuyến Iparking tại tất cả các quận nội thành của Thành phố; thực hiện thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; thí điểm, đầu tư mở rộng lắp camera giám sát theo dõi xử lý vứt rác thải, đỗ xe, bán hàng không đúng quy định.. tại một số tuyến đường liên phường, khu dân cư, tổ dân phố ở quận Long Biên, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm...

Ngoài ra là thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” (không người bán, sử dụng mô hình 020 Online 2 Offline, sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa). Tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, một trong những kinh nghiệm Hà Nội thực hiện trong thời gian qua là luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của Trung ương để kịp thời cụ thể hóa thành các Chương trình, Kế hoạch CCHC của Thành phố với quan điểm chỉ đạo là: Các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Thành phố phải bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra.

Từ đó, xây dựng lộ trình và giải pháp đảm bảo thực hiện được trong từng năm, từng giai đoạn và phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn, như: phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị từ nay đến năm 2020; đảm bảo mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước đến năm 2018 đạt trên 80%.

Trong mỗi giai đoạn CCHC, Thành phố đều lựa chọn một hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, nổi bật, có những giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, động viên, khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo thực hiện CCHC như: chỉ đạo một số quận, huyện, thị xã thí điểm một số mô hình, sáng kiến mới CCHC mới từ đó nhân rộng nội dung làm tốt ra tất cả các xã, phường, thị trấn; là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra Thành phố chủ động xây dựng các công cụ đánh giá hiệu quả CCHC như: Chỉ số CCHC áp dụng đối với các Sở, UBND cấp huyện; UBND cấp xã; Chỉ số Năng lực điều hành của các Sở; UBND cấp huyện; Giám đốc Sở đánh giá Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện thuộc ngành dọc, Chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá Trưởng phòng, Chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc; triển khai đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.

Để tiếp công tác CCHC hiệu quả, Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền Thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ Thành phố đến cơ sở.

Hòa An

Top