Hà Nội khống chế thành công 7 ổ dịch tả lợn châu Phi

09/06/2019 10:06 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lây lan diện rộng nhưng một số ổ dịch đã bước đầu được khống chế thành công.

Hà Nội khống chế thành công 7 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa

Số liệu mới nhất cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 20.355 hộ chăn nuôi (chiếm 25,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 433 xã, phường, thị trấn thuộc 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn.

Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 339.003 con (chiếm khoảng 18% tổng đàn lợn toàn Thành phố). Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 43.054 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy của Hà Nội.

Hiện trên địa bàn Thành phố có 7 xã, phường thuộc 6 quận, huyện gồm: Phường Gia Thụy (quận Long Biên); phường Thanh Trì, Định Công (quận Hoàng Mai); phường La Khê (quận Hà Đông); phường Tứ Liên (quận Tây Hồ); xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì); xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) có dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Ngoài ra, có 7 xã thuộc 5 quận, huyện, dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng không phát sinh trở lại.

Bên cạnh các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, Thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 174 tấn hóa chất và 5.714 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ.

Sở NN&PTNT đang tiếp tục tham mưu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường hoạt ddoogj kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm cụm dân cư bảo đảm phát hiện, báo cáo kịp thời khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.

Bên cạnh đó, duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ảnh qua đường dây nóng 02433.800.115. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi.

Nguyên Phương

Top