Hà Nội: Không còn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn

27/09/2018 10:56 AM

(Chinhphu.vn)- Sau 2 năm thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2018, công tác giảm nghèo bền vững, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa của TP Hà Nội đã có những chuyển biến khá rõ nét.

Thực hiện việc hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, UBND thành phố ban hành kế hoạch hỗ trợ xây, sửa cho 4.046 ngôi nhà ở hộ nghèo xuống cấp, kinh phí khoảng 202 tỷ đồng. Đến nay, đã có 3.895 hộ nghèo triển khai xây, sửa nhà, đạt 97,1% kế hoạch, trong đó có 3.071 hộ nghèo đã hoàn thành việc xây, sửa nhà đạt 76,6% kế hoạch.

Về chính sách tín dụng, trong 2 năm qua (2016 - 2017), Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã cho 57.701 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, với doanh số cho vay là hơn 1.542 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ cho vay nhóm này lên 2.690 tỷ đồng.

Năm 2017, đã có 245.568 người người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, kinh phí hơn 171 tỷ đồng; Năm 2018, có 203.906 người được hỗ trợ, kinh phí hơn 142 tỷ đồng.

Nếu như đầu năm 2016, số hộ nghèo toàn thành phố là 65.377 hộ gia đình, chiếm 3,64% tổng số hộ, thì đến đầu năm 2018, số hộ nghèo là 32.619 hộ, chiếm 1,69% tổng số hộ.

Trong 2 năm qua, toàn thành phố đã giảm được 1,95% số hộ nghèo, dự kiến đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,3%.

Thành phố có 14 xã dân tộc miền núi, đầu năm 2016 tổng số hộ nghèo là 3.728 hộ gia đình, chiếm 13,38% tổng số hộ dân cư 14 xã. Đầu năm 2018 tổng số hộ nghèo là 1.705 hộ, chiếm 5,94% tổng số hộ dân cư 14 xã.

Trong 2 năm qua (2016- 2017), đã giảm được 7,44% số hộ nghèo. Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã miền núi, cuối năm 2017 thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tổ chức dạy nghề 1.165 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 40.405 người, trong đó: 61% nghề nông nghiệp và 39% nghề phi nông nghiệp. Trong tổng số học viên học nghề, có 2.568 học viên là người dân tộc thiểu số miền núi. Sau học nghề, số lao động nông thôn có việc làm đạt 85,6% (trong đó 12,6% được doanh nghiệp tuyển dụng; 10,9% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 75% tự tạo việc làm và 1,5% thành lập tổ hợp tác xã, doanh nghiệp), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Bảo Khánh

Top