Hà Nội làm tốt đổi mới sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập

27/05/2017 7:30 PM

(Chinhphu.vn) – Đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội chiều nay (27/5).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Thành phố Hà Nội về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chương trình làm việc của Đoàn công tác với thành phố Hà Nội nhằm khảo sát, phục vụ việc hoàn thiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6,

Tính tự chủ tài chính được nâng cao

Báo cáo Phó Thủ tướng về đánh giá cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, mặc dù còn một số khó khăn tồn tại, tuy nhiên sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ, kết quả thực hiện cơ bản phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp của Thành phố.

Cụ thể, đã nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động của các đơn vị, đơn vị được phân quyền cao hơn trong tự chủ chi tiêu tài chính. Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động nghiệp vụ cao hơn mức chi quản lý, chi hoạt động nghiệp vụ cao hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Tiết kiệm chi nhân sách nhà nước, các đơn vị sự nghiệp nâng dần mức độ tự chủ đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước giảm dần cấp phát cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị được ngân sách bảo đảm một phần chi phí hoạt động chuyển thành đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, nhà nước không còn phải cấp ngân sách hoạt động cho các đơn vị này nữa.

Tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; đổi mới cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư.

Về tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt công tuyên truyền, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, toàn diện trên cả hệ thống chính trị.

Các cơ quan đơn vị, các ngành các cấp đều quyết tâm thực hiện và nhận thức sự thay đổi là một quy luật tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển. Ngay từ đầu năm 2016, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố được công khai, dân chủ, cụ thể hóa thành 5 nguyên tắc, quy trình 6 bước thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.

Hà Nội hiện đã xây dựng xong Đề án tinh giản biên chế, sẽ thực hiện giảm biên chế 10% đến năm 2021 để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức và tuân thủ nguyên tắc chỉ tuyển dụng 50% số nghỉ hưu đúng tuổi và số đã tinh giản theo.

Đến nay, thành phố Hà Nội tổng hợp các trường hợp tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP 8 đợt với 420 trường hợp.

Số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ tài chính năm 2016 là 2.596 đơn vị, tăng 82 đơn vị so với năm 2011, trong đó có 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (tăng 15 đơn vị); 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (tăng 113 đơn vị); số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 (tăng 33 đơn vị).

Số thu của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên. Tới nay, Hà Nội chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn tồn tại do các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động, tích cực trong công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức chức tinh giản biên chế; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần chưa thực hiện được.

Có đơn vị sự nghiệp chưa chủ động trong việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp; công tác đào tạo, đào tạo lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nguồn lực có trình độ chuyên môn cao. Một số xin tự nguyện tinh giản lại không được do thiếu cơ chế.

Những tồn tại hạn chế hiện nay là việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng ngân sách nhà nước chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước.

Quy mô hầu hết các đơn vị sự nghiệp công còn nhỏ, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ còn thiếu thốn, việc khai thác cơ sở vật chất hiện có và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp còn hạn chế.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức chưa quy định cụ thể, rõ ràng một số nội dung chi, mức chi, thiếu các biện pháp quản lý, tăng thu, tiết kiệm chi; việc tăng thu nhập vẫn có tình trạng phân phối bình quân, cào bằng, chưa căn cứ vào kết quả, chất lượng việc của từng viên chứ, lao động hợp đồng được giao thực hiện.

Nguyên nhân là do nhận thức của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ và người lao động về đổi mới cơ chế quản lý cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và xã hội hóa còn hạn chế; công tác quản lý, quản trị nội bộ ở một đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới; tư tưởng ngại va chạm, bình quân chủ nghĩa trong phân phối thu nhập, không khuyến khích, thu hút được người tài, chưa gắn kết sản phẩm đầu ra.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thành Chung

Không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư”

Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện các Bộ ngành liên quan trong Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi nhiều ý kiến liên quan đến kinh nghiệm sắp xếp bộ máy, những khó khăn về triển khai thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên các quy định của pháp luật. Trong thực tiễn, các đơn vị sự nghiệp công lập cùng lĩnh vực, ví dụ như văn hóa, thể thao có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau thì được sáp nhập lại.

Một trong những khó khăn là vấn đề tự chủ tài chính, cần xem xét các quy định dịch vụ thay cho quy định về mức phí tại một số đơn vị sự nghiệp công lập. Kiến nghị của Hà Nội là thay phí bằng quy định giá dịch vụ, nếu không thì khó khăn trong tự chủ tài chính.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng và các đại biểu liên quan đến chất lượng bộ máy tại các đơn vị sau khi tinh giản biên chế, ông Nguyễn Đức Chung cho biết chương trình này được triển khai từ tháng 4/2016. Năm 2016 là năm Hà Nội thực hiện tinh giản nhiều nhất. Tuy vậy, sau khi sắp xếp, các đơn vị vẫn ổn định tổ chức, không  có đơn thư khiếu nại về sắp xếp, tinh giản, thu nhập ổn định. Năm 2016, Hà Nội đã giảm chi thường xuyên từ 58% xuống còn 53,2%.

Phó Thủ  tướng Vương Đình Huệ đánh giá, Hà Nội đã làm rất tốt và có nhiều kinh nghiệm, thực hiện khá bài bản trong sắp xếp bộ máy nhân sự và được đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, viên chức.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố vẫn còn hạn chế và đề nghị Hà Nội cũng như các bộ, ngành đánh giá kỹ vấn đề này, trong đó chú ý đánh giá việc thực hiện tự chủ về tài chính-là bước quan trọng để thực hiện tự chủ biên chế, nhân sự.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu là nâng cao chất lương dịch vụ công nhưng phải tinh giản được bộ máy, cơ cấu lại thu chi ngân sách, làm tiền đề xây dựng đề án cải cách tiền lương dự kiến trình vào năm 2018.

Theo Phó Thủ tướng, trong chủ trương đầu tư, quản lý không được phân biệt các đơn vị sự nghiệp “công” hay “tư” mà phải đối xử công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo để làm căn cứ cho Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Trung ương. Đặc biệt, Hà Nội đánh giá kỹ xu hướng xã hội hóa giáo dục ở các cấp mầm non, phổ thông hay việc sắp xếp lại mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn để giảm đầu mối, giảm định biên và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Minh Anh

Top