Hà Nội lên kế hoạch kích cầu nội địa năm 2021

08/10/2020 4:53 PM

(Chinhphu.vn) – Kế hoạch nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới; khắc phục các khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng.

Ảnh minh họa

Kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2021, nhằm kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội.  

Triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình của Thành phố: Xúc tiến thương mại, Khuyến mại tập trung, Khuyến công, Mỗi xã một sản phẩm (OCOP),… hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết trong đầu tư sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng biết đến và lựa chọn.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng và tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 nhằm thu hút từ 1.000 – 2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thông qua tổ chức các sự kiện Vì quyền lợi người tiêu dùng, Tháng Khuyến mại, các chương trình xúc tiến thương mại,… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đa dạng các hình thức khuyến mại, trên quy mô lớn và với mức giảm giá sâu, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chương trình: Hội chợ Hàng Việt, tuần hàng Việt; Hội nghị kết nối, tiêu thụ, trưng bày sản phẩm hàng Việt; Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp,... Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển sản phẩm, thương hiệu, liên kết vùng, kết nối sản xuất giao thương trên địa bàn Thành phố và với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đồng thời tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng (các điểm bán hàng, các đại lý…), phát triển hệ thống bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và hậu Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết trong nước, trên địa bàn Thành phố.

Triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Thành phố năm 2021, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội, gồm du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, tuần lễ, hội chợ thu hút người dân, khách du lịch tới Hà Nội tham gia.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tối đa nguồn cung các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến,…. cho Thành phố, tiếp tục phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm và phát triển Chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ nông sản an toàn.

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với việc tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền; Xây dựng thí điểm các điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP nhằm kích cầu du lịch và mua sắm tiêu dùng.

Thực hiện tốt Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; kiểm soát tốt công tác an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa trên địa bàn. 

Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành trên cơ sở phân tích, đánh giá chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020 trong lĩnh vực đơn vị quản lý để khẩn trương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả, chất lượng nhằm kích cầu nội địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2021 đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố đề ra.

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm sát tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng song song với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các Hội, Hiệp hội trên địa bàn phát huy vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp kiến nghị đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước, hưởng ứng tích cực các chủ trương của Thành phố, chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ để sớm phục hồi các hoạt động kinh tế.  

Minh Anh

Top