Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025, giảm 5%-8% mức tiêu hao nguyên vật liệu sản xuất

21/09/2020 3:44 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm từ 5%-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất gồm dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy…

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, TP. Hà Nội phấn đấu giảm 5%-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất gồm: dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; 100% các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy;

Đồng thời, xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được huy động từ các nguồn gồm: Ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ, các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng những nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, dự kiến nguồn ngân sách Thành phố là 65 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội là cơ quan chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã và các tổ chức liên quan thực hiện Kế hoạch Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố. Chủ trì phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thực hiện có hiệu quả chương trình liên kết công nghiệp, phân phối thương mại và tiêu dùng bền vững hàng năm giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước…

Việc thực hiện kế hoạch này của Thành phố nhằm mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố hiệu quả; bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, việc phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn” được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước.

Bích Phương

Top