Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

21/08/2020 11:32 AM

(Chinhphu.vn) – Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới, Thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 21/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Dự tại đầu cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố phụ trách điều hành hoạt động của Ban cán sự Đảng UBND và UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các phó Chủ tịch UBND Thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”, Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần là huy động cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc. Thường trực Thành ủy đã có nhiều quyết nghị, lãnh đạo, chỉ đạo; UBND Thành phố đã có nhiều Chỉ thị, Chương trình hành động, văn bản chỉ đạo đối với nhiệm vụ này.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 144/Ctr-UBND ngày 15/7/2020, đặt mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2020.

Thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn thu, cơ chế chi, nội dung chi ngân sách năm 2020. Đã rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Đồng thời, tổ chức các hội nghị giao ban họp với Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất. Phối hợp với một số Bộ, Ngành Trung ương, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư cho TP. Hà Nội là 40.671,4 tỷ đồng, đến nay Thành phố đã giải ngân được 49,6% và khối lượng chuẩn bị nghiệm thu thanh toán trong những ngày tới sẽ giải ngân đạt 53%.

Nhân dịp chuẩn bị chào mừng Quốc khánh 2/9, ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc, Thành phố sẽ tập trung vào những công trình trọng điểm, hoàn thành và khởi công hàng chục công trình như nút giao Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên; công trình mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long; cầu vượt nút An Dương-đường Thanh Niên; hầm chui Lê Văn Lương…

Nêu những giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, cùng với việc tiếp tục rà soát nguồn vốn, ưu tiên bảo đảm nguồn cho chi đầu tư phát triển phục vụ mục tiêu tăng trưởng của Thành phố; Triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn đã giao, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Đáng chú ý, ngay cuối tháng 8/2020, Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020 để cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ thành lập các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng sẽ trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc; chủ động triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó có một số nội dung có hiệu lực từ 15/8/2020 để bảo đảm các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn; xây dựng phương án điều hòa vốn hóa vốn, kiên quyết chuyển nguồn những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp sang các dự án mà có khả năng giải ngân nhanh hơn.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ khó khăn một số dự án ODA của TP. Hà Nội: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của Dự án Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025…

Sau phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh. “Đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, thành lập tổ công tác đủ thẩm quyền giải quyết tại chỗ cho những công trình bị vướng mắc, đây là điều rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị trong triển khai thực hiện”, Thủ tướng ghi nhận.

Thùy Linh

Top