Hà Nội: Phát huy là ‘đầu tàu’ kinh tế của cả nước

14/01/2019 7:18 PM

(Chinhphu.vn)-Năm 2019, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng và quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp.

Năm 2018, phát triển kinh tế của Hà Nội tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, 20 chỉ tiêu phát triển mà thành phố đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; thu ngân sách vượt dự toán. GRDP tăng 8,56% và duy trì năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 8,20%; năm 2017 tăng 8,48%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2018 của Thành phố đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015.

Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục đà phát triển, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,2% so cùng kỳ. Ước cả năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ sẽ đạt 508.918 tỷ đồng, tăng 8,9%, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa dự kiến đạt 315.484 tỷ đồng, tăng 12,5% .

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở phân phối, với 23 trung tâm thương mại, 134 siêu thị (tăng 9 siêu thị), gần 1.400 cửa hàng tiện lợi (tăng 200 cửa hàng), 80 chuỗi cửa hàng phân phối (tăng 15 chuỗi), 454 chợ và 493 cửa hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích theo chuỗi len vào các khu dân cư, đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ, góp phần hình thành thói quen mua sắm theo hướng văn minh, hiện đại. Sở đồng thời chấp thuận cho 8.741 website/ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn… qua đó, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của kinh tế-xã hội Thành phố.

Để có được kết quả trên, là do Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách TTHC với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính từ Thành phố đến cơ sở; tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai thực hiện các dự án, qua đó góp phần trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội. Năm 2018, Hà Nội thông qua phương án đơn giản hóa TTHC năm 2017 đối với 61 TTHC, tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3%.

Tại cuộc làm việc với TP. Hà Nội cuối tháng 11/2018 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, Thủ tướng khen ngợi Hà Nội 9 nội dung. Trong đó, Hà Nội có rất nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh, tăng cường công khai, minh bạch. Sự cải cách là rõ ràng, được người dân và doanh nghiệp đánh giá tốt.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng và quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp...

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, trong lĩnh vực công nghiệp, do áp lực về không gian đô thị, yêu cầu cao về bảo vệ môi trường và để phát triển hiệu quả, Hà Nội sẽ tập trung chọn lọc các nhóm sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, có thương hiệu uy tín; “nói không” với các dự án đầu tư có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ thấp;

Đồng thời, phát triển các nhóm sản phẩm xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, cải tiến mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực thương mại, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng trên địa bàn; tích cực thu hút đầu tư vào 12 dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong danh mục giới thiệu, kêu gọi đầu tư của Thành phố. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, tạo điều kiện mở rộng điểm bán hàng, hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân theo hướng hiện đại hóa, bảo đảm các yếu tố văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thương mại-dịch vụ. Phát triển hệ thống logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đưa Hà Nội trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng, cả nước và khu vực.

Với những bước tăng trưởng ấn tượng đã đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa với các tỉnh, thành nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu về kinh tế.

Thùy Linh

Top