Hà Nội phát huy lợi thể để phát triển du lịch giáo dục, trải nghiệm

18/12/2020 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ. Trong đó phát triển du lịch giáo dục, trải nghiệm là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.

Du lịch trang trại còn nhiều tiềm năng cần được khai thác, phát triển hợp lý. Ảnh: Thiện Tâm.

Với bề dày văn hóa, di sản, cảnh quan thiên nhiên và hệ thống di sản văn hóa phong phú với những điểm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc, trong vài năm trở lại đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch, các trang thông tin du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến ấn tượng.

Có lợi thế là Thủ đô nghìn năm văn hiến, có nhiều điểm du lịch di tích lịch sử như: Hoàng thành Thăng Long, Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc, Nhà tù Hỏa Lò… du lịch Thủ đô đã từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành, du lịch giáo dục, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, làng nghề kết hợp với du lịch nông thôn.

Sự phát triển của mô hình trang trại, HTX nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn đã tạo ra sự khác biệt thu hút khách du lịch ngày càng cao. Năm 2019 lượng khách đến với Hà Nội là 129 triệu lượt khách trong đó 89 triệu lượt học sinh đi du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục; hơn 7 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2020, du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 132 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 136.762 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch Hà Nội phối hợp với các làng nghề trên địa bàn, đẩy mạnh sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du khách nhằm tăng lợi ích kép cho các làng nghề, chủ động nguồn cung tại chỗ. Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận và trong đó có hơn 10 làng nghề được công nhận nằm trong quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, lược sừng Thụy Ứng, khảm trai Chuôn Ngọ…

Tuy nhiên theo bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong những năm qua kinh tế trang trại, HTX tuy đã có những bước phát triển đáng ghi nhận song đánh giá một cách tổng thể cho thấy, quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số yếu kém cần được khắc phục. Điển hình như số lượng trang trại đạt tiêu chí theo quy định còn ít; số lượng trang trại, HTX gắn với du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hầu hết các trang trại đều phát triển theo hướng tự phát, thiếu tính ổn định, chưa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, đa số các chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, tiếp cận thông tin về thị trường nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao nên giá bán ra thị trường thường thấp…

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình trang trại, HTX nông nghiệp, theo Chi cục phát triển nông thôn, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, HTX nông nghiệp. Tăng cường liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành văn hóa, du lịch và các sở, ngành liên quan để phát triển trang trại, HTX. Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho các chủ trang trại, HTX tiếp nhận chuyển giao công nghệ  và tiến bộ KHKT cho các chủ trang trại, tạo điều kiện cho các chủ trang trại được đi tham quan học tập các mô hình trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ  nông sản thuộc các thành phần kinh tế. Xây dựng và và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các chủ trang trại thực hiện mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và chủ trang trại.

Thiện Tâm

Top