Hà Nội quản lý tốt người nước ngoài trên địa bàn

19/03/2019 2:56 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 19/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thùy Linh

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Hà Nội du lịch, đầu tư, học tập. Năm 2018, số lượng người nước ngoài khai báo tạm trú gấp 2 lần so với năm 2014, trong đó 70% là khách du lịch, hàng năm tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng.

Với môi trường chính trị ổn định, sự đồng bộ giữa Luật Đầu tư và Luật Xuất nhập cảnh đã góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư. Tính đến nay, Hà Nội thu hút được 33,8 tỷ USD với 4.375 dự án với tổng vốn tăng dần qua từng năm. Năm 2014 cấp mới 288 dự án với tổng vốn 243 triệu USD, đến năm 2018 là 663 dự án với 6,2 tỷ USD. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục, Hà Nội được xếp trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua mạng điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Công tác trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý người nước ngoài còn hạn chế, mặc dù đã có Quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý người nước ngoài nhưng việc thực hiện chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm của người nước ngoài còn nhiều khó khăn do một số hành vi chưa có chế tài xử lý; chưa có biện pháp bảo đảm thực hiện các quyêt định xử lý vi phạm hành chính.

UBND TP Hà Nội kiến nghị với Đoàn giám sát cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến Luật Xuất nhập cảnh như quy định tạm trú của người nước ngoài; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về đối tượng người nước ngoài và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam theo hướng phân loại đối tượng, mục đích nhập cảnh nào thì được sở hữu nhà, có thể ưu tiên nhà khoa học, người đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức hướng dẫn việc chấp hành pháp luật đối với người nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, xung quanh vấn đề về Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang triển khai công tác chia sẻ dữ liệu về quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài,  Chủ tịch TP đề nghị cần sửa đổi, phân cấp, phân quyền việc sử dụng phần mềm dữ liệu này.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thùy Linh

Thực tế nhu cầu người nước ngoài đến Việt Nam cũng như Hà Nội sinh sống và làm việc ngày càng tăng, đặc biệt là những trường hợp cán bộ khoa học, kỹ thuật... đến Việt Nam nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Chủ tịch TP đề nghị nên có chính sách đặc thù để tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam.

Đồng thời đề nghị Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao thực hiện quy định chuyển thông tin khai báo tạm trú người nước ngoài diện đăng ký tại Bộ Ngoại giao cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an TP để tạo thuận lợi và quản lý tốt hơn..

Về nguyên tắc, tất cả người nước ngoài đều cần quản lý chặt chẽ nhưng cần xem xét quản lý theo các nhóm đối tượng. Về việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với cơ quan, tổ chức có sử dụng người nước ngoài, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2018, Bộ Công an đã có đoàn thanh tra, kiểm tra toàn bộ công tác này. Sau kết luận thanh tra cho thấy, Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc và cho rằng đây là nhiệm vụ trọng tâm Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Hiện, Thành phố đang xây dựng đề án du lịch thông minh, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu cho tất cả các cơ sở lưu trú. Chủ trì thực hiện dự án này là do Sở Du lịch; còn việc quản lý người lao động là người nước ngoài là do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý Dự án khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố...

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao công tác quản lý người nước ngoài của Hà Nội. Thành phố đã cụ thể hóa các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý người nước ngoài phù hợp với địa bàn; có cách thức tuyên truyền pháp luật đa dạng và phong phú theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trưởng đoàn giám sát cũng đánh giá tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội năm sau cao hơn năm trước và vẫn bảo đảm được chất lượng, do đó, xếp hạng năng lực cạnh tranh đã tăng vọt trong những năm gần đây… Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác trên. Qua đó, đề nghị Thành phố cần nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai có hiệu quả các mặt công tác liên quan đến quản lý người nước ngoài trong thời gian tới.

Thùy Linh

Top