Hà Nội thêm bệnh viện có chuyên khoa chăm sóc Người cao tuổi

10/08/2016 11:10 AM

(Chinhphu.vn) - Nhằm mở rộng chuyên khoa lão và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân người cao tuổi trên địa bàn thành phố, sáng 10/8, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã tổ chức Hội nghị phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Hà Nội và ra mắt khoa lão của bệnh viện.

Lễ cắt băng ra mắt Khoa lão - Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Ảnh: Tú Mai

Với 40 giường bệnh thuộc chuyên khoa lão, khi đi vào hoạt động Bệnh viện đa khoa Đống Đa sẽ góp phần nâng cao số lượng bệnh nhân là người cao tuổi được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương trong điều trị và thăm khám bệnh nhân.

Đánh giá về hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Sở Y tế Hà Nội cho biết,  hiện nay thành phố có 41 Bệnh viện đa khoa chuyên khoa và 26 Bệnh viện ngoài công lập. Trong đó chỉ có 5 bệnh viện có chuyên khoa lão gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện đa khoa Đống Đa (mới thành lập chuyên khoa lão). Trong 6 tháng đầu năm, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm do trạm y tế cấp xã tổ chức thực hiện là hơn 2,7 nghìn người. Số người cao tuổi bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp… được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng hơn 13 nghìn người. Số người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh được cán bộ y tế đến khám, chữa nơi cư trú là  548 người…

Mặc dù ngành y tế Thủ đô luôn tích cực quan tâm, chú ý đến khám, chữa bệnh cho đối tượng người cao tuổi nhưng thực tế cho thấy, số các bệnh viện có khoa lão chưa nhiều, cán bộ đào tạo về lão khoa còn ít và quản lý sức khỏe cho người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành quan tâm đến công tác khám, chữa bệnh, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đối với các bệnh viện càn ưu tiên khám, chữa bệnh cho người cao tuổi. Trên cơ sở các khoa, phòng tại đơn vị có thể thành lập khoa lão học để khám và điều trị. Đồng thời bố trí giường bệnh tại các khoa, phòng và phòng khám riêng cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cần cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành lão khoa (bác sĩ, điều dưỡng…). Hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế.

Các Trung tâm y tế tổ chức các hoạt động thiết thực hướng tới Ngày quốc tế Người cao tuổi và khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi. Đồng thời phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng người cao tuổi bị tàn tật về phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác. Phối hợp với Sở LĐTB&XH trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các Trung tâm dưỡng lão.

Đối tượng của khoa lão là bệnh nhân cao tuổi, cùng một lúc mắc nhiều bệnh mạn tính gây tàn phế, thường có các bệnh thoái hóa thần kinh. Những bệnh nhân này nhập viện do các bệnh lý trên nặng lên hoặc xuất hiện một bệnh cấp. Bệnh nhân cao tuổi có các hội chứng lão khoa đặc trưng như sa sút trí tuệ, lú lẫn, suy dinh dưỡng, nguy cơ tai biến điều trị cao. Theo đó, nhiệm vụ của khoa lão là tiến hành đánh giá lão khoa toàn diện, thiết lập chẩn đoán và điều trị bệnh cấp và các bệnh kèm theo. Đồng thời giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; chuẩn bị và hỗ trợ để bệnh nhân có thể tái hòa nhập gia đình và xã hội (GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa Trung ương).

Tú Mai

Top