Hà Nội tích cực chăm lo đời sống công nhân, người lao động

11/04/2024 2:52 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được TP. Hà Nội bổ sung, sửa đổi để chăm lo cho đời sống công nhân, người lao động.

Hà Nội tích cực chăm lo đời sống công nhân, người lao động- Ảnh 1.

Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW - Ảnh: VGP/GH

Sáng 11/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Dân vận Thành ủy Vũ Hà, Hà Nội hiện có khoảng 270.000 doanh nghiệp với trên 2,7 triệu lao động. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp được Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. 

Trong 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu trên 117.700 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, đã có gần 101.700 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó có 12% đoàn viên thuộc DN ngoài khu vực Nhà nước được kết nạp Đảng).

Các chương trình chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động luôn được duy trì hiệu quả. Từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm… Thu nhập của công nhân lao động đều tăng qua các năm. Tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2023 đã tăng lên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được TP quan tâm đầu tư như Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Ðông Anh), có diện tích 20 ha đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; dự án nhà ở tại khu Công nghệ cao Hòa lạc, các khu công nghiệp Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa...

Trong 5 năm (2018-2023) đã có trên 2.700 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và gần 100 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động. Các ý kiến, kiến nghị cũng đã được Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời giải đáp tại hội nghị. Chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngày một nâng cao; các quy định của pháp luật với các điều khoản cụ thể thiết thực, có lợi hơn cho người lao động được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu trong xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại và đề nghị, thời gian tới Hà Nội tiếp tục chia sẻ, ủng hộ để tổ chức Công đoàn tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, quan tâm đào tạo cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn; quan tâm vấn đề “trí thức hóa” công nhân, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, trình độ để có việc làm bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những kết quả mà các cấp, ngành của Thành phố đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt trong thời kỳ đất nước cũng như Thủ đô đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình.

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động TP tập trung đánh giá kỹ những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng công nhân lao động trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; phê chuẩn nhiều công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. 

Trong đó, khẳng định rõ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước, đặc biệt trong giai đoạn toàn Đảng bộ TP đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với những lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm, điều kiện làm việc của công nhân lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Chủ động xây dựng các báo cáo đánh giá, nghiên cứu nhằm dự báo được những vấn đề mới phát sinh liên quan đến công đoàn, công nhân lao động trong tình hình mới.

Liên đoàn Lao động Thành phố chủ động, mạnh dạn hơn trong tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND về quy hoạch, đầu tư các thiết chế cho người lao động, công nhân. Cụ thể, trước khi xây dựng các khu công nghiệp phải hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, hạ tầng... để đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp, theo hướng sát hơn với thực tiễn, gắn bó hơn với người lao động, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa giới chủ và người lao động nhằm bảo vệ quyền của người lao động tốt hơn. 

Gia Huy

Top