Hà Nội với những bước chuyển mình đên đô thị thông minh

10/08/2018 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Nâng cao chất lượng sống cho người dân, xây dựng Thành phố thông minh là mục tiêu TP.Hà Nội đang hướng đến. Năm 2018 Hà Nội xác định tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh xây dựng Thành phố thông minh.

Ảnh minh họa

Những bước đi đầu tiên

Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, họ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, để từ đó tạo nên một xã hội thông minh.

Với quan điểm đó, Hà Nội sẽ khởi động dự án đô thị thông minh đầu tiên vào cuối năm nay nằm trên đường Nhật Tân - Nội Bài. Dự án đô thị thông minh trị giá hơn 4 tỷ USD này vừa được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư. Khu đất hơn 270 ha dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10 tới, gồm nhiều hạng mục, như: tòa nhà tài chính, nhà ở, đường tàu cao tốc… Điểm khác biệt là nhà đầu tư sẽ hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu trước, chứ không tập trung xây cao ốc, nhà ở trước như nhiều dự án khác.

Dự án này chỉ là một phần trong siêu dự án đô thị thông minh hơn 2.000 ha của Hà Nội, lấy trục đường Nhật Tân - Nội Bài làm xương sống. Nhà đầu tư đã phải mất 7 năm lên ý tưởng, khảo sát để lập ra quy hoạch chi tiết theo chuẩn quốc tế.

Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và hệ thống kết nối viễn thông hiện đại là 3 nền tảng cơ bản để tạo ra hệ thống quản lý thông minh, qua đó nâng cao tiêu chuẩn sống và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng.

Nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố thông minh với hình ảnh rồng đón ngọc được kỳ vọng là điểm kết nối thủ đô với thế giới. Vì vậy, để đảm tiến độ, UBND TP. Hà Nội cam kết sẽ sớm bàn giao quỹ đất sạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Dự báo, đến năm 2050, dân số tập trung tại đô thị sẽ tăng lên đến 70%. Những ưu thế về hạ tầng cùng các cải cách thời gian qua chính là ưu thế để Việt Nam tận dụng trong phát triển đô thị thông minh. Thuận lợi trong thời gian qua là việc Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%); trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT Information System, thành phố thông mình chính là sự đáp lại những thách thức của đô thị. Yếu tố thông minh được thể hiện ở sự chuyển đổi quy trình vận hành trong thành phố sang thân thiện với công dân và môi trường. Sự chuyển đổi được tạo ra bởi tiến bộ công nghệ, triển khai các hệ thống thông minh và thông tin. Thành phố thông minh dựa trên 2 trụ cột tăng trưởng bền vững liên quan đến quản lý hiệu quả cơ sở hạ tầng và tài nguyên, thân thiện với công dân/doanh nghiệp. Đạt được qua dịch vụ thông minh.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ. Lực lượng doanh nghiệp công nghệ, thông tin, truyền thông đã hình thành nhiều đơn vị lớn mạnh, có vị thế quốc tế như VNPT, FPT, Viettel ...

Ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về thành phố thông minh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khuyến nghị, sử dụng định nghĩa đô thị thông minh bền vững của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU. Theo đó, đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Trong xã hội, việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng trên mạng xã hội đang dần trở nên khá phổ biến và rất đa dạng, thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Chính sự tương tác này cũng hỗ trợ cho chính quyền các địa phương trong phát triển đô thị thông minh.

Tuy nhiên, thực tế phát triển đô thị của Việt Nam nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng cũng đang có những khó khăn, bất cập. Các cách tiếp cận và phương pháp truyền thống trong quản lý, phát triển đô thị đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Phát triển đô thị xanh - thông minh cần kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước không thể chi trả cho tất cả các nguồn đầu tư. Bởi vậy, một trong những giải pháp là vận dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Hiện nay, PPP là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và được đánh giá là cách giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City (Tập đoàn Viettel) bày tỏ: “Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ở hình thức đối tác công tư - đây là hình thức hợp lý để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt sẽ thu hút được cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia  xây dựng đô thị thông minh.

Kinh nghiệm quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Điển... cũng cho thấy các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý phát triển đô thị hiệu quả và thành công hơn.

Các chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất để xây dựng thành phố thông minh. Đó là: Cần có cơ chế quản trị linh hoạt ở quy mô thành phố; Nâng cao năng lực và tạo nên thế hệ lãnh đạo có tầm nhìn; Lập kế hoạch tích hợp; Tạo sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

Nguyễn Dũng

Top