Hạn chế phương tiện cá nhân: Hướng tất yếu để giảm ùn tắc

13/03/2019 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc phát triển hạ tầng không thể thiếu biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, bởi đây là bước đi tất yếu của Hà Nội để giải bài toàn ùn tắc giao thông.

Lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của Thủ đô. Ảnh: Thành Nam

Hà Nội hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành; khoảng 2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn; chưa kể đến các loại xe chuyên dụng khác. Mặc dù thời gian qua Thành phố đã rất nỗ lực phát triển hạ tầng; tối ưu công tác tổ chức giao thông; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Không chỉ ùn tắc, lượng khí thải từ phương tiện cơ giới cũng đang đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của Thủ đô.

Hiện mỗi năm Thành phố đang dùng trên 50% ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông nhưng càng ngày mức sống của người dân càng được nâng cao, giá thành phương tiện giảm. Nên dù có đầu tư bằng tất cả nguồn lực, hạ tầng cũng không thể theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Thành phố hiện có 123 tuyến xe buýt (100 tuyến được trợ giá) với 1.915 xe; mạng lưới đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 438/584 xã, phường, thị trấn (đạt 75%). Xe buýt cũng được kết nối với 62/71 bệnh viện (đạt 87%); 190/283 trường THCS, THPT (đạt 67%); 27/27 các khu công nghiệp (đạt 100%); 30/30 các khu đô thị (đạt 100%). Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đi vào khai thác với năng lực vận chuyển gần 1.000 người/lượt; đoạn tuyến trên cao ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến được đưa vào khai thác từ năm 2020.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, dù chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu đi lại của người dân, nhưng Thành phố cũng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống vận tải công cộng. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn khó từ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân, nhưng đó không phải hoàn toàn do lỗi của hệ thống vận tải công cộng.

Sẽ tính toán để người dân lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường không thể trông chờ vào biện pháp đơn lẻ nào. Cùng với việc phát triển hạ tầng, không thể thiếu biện pháp hạn chế phương tiện; cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông không thể thiếu xử phạt nghiêm khắc để răn đe. Cũng không thể chỉ hạn chế xe máy mà để lượng ô tô dễ dàng tăng vọt.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, có rất nhiều việc cần làm để bảo đảm đi lại cho người dân trước khi cấm xe máy như việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu; tổ chức giao thông ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng  và người đi bộ; các hình thức giao thông trung chuyển giữa khu vực bị cấm và các khu vực khác…

“Tất cả những điều kiện đó sẽ được tính toán đến trong đề án thực hiện hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội thành Hà Nội. Đề án này sau khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân”, ông Viện nhấn mạnh.

Về vận tải hành khách công cộng của TP. Hà Nội, ông Viện cho biết, trong Đề án đặt mục tiêu với khu vực trung tâm Thành phố phải bảo đảm điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống vận tải hành khách công cộng, phạm vi dưới 500m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ. Tựu chung, khi cấm xe máy thì phải có đủ điều kiện để người dân lựa chọn phương tiện đi lại cho phù hợp.

“Hơn nữa, chúng ta còn 10 năm để phát triển vận tải hành khách công cộng với đa dạng loại hình như xe buýt, đường sắt đô thị… Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian để vận động người dân từ bỏ thói quen đi xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng”, ông Viện nói.

Mặc du biết rằng sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Thói quen sử dụng xe máy của người dân đã có từ nhiều năm trước, khi phải thay đổi sẽ khó tránh được những ý kiến trái chiều. Nhưng cần nhìn nhận công bằng, nếu bỏ đi hàng triệu xe máy, nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đối với khu vực nội thành sẽ được giải quyết về cơ bản.

Thành Nam

Top