Hàng thủ công mỹ nghệ: Nâng mẫu mã, tăng xuất khẩu

23/11/2020 5:35 PM

(Chinhphu.vn) – Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên lại đang yếu ở khâu thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Do đó, để hướng tới xuất khẩu, đòi hỏi các làng nghề truyền thống phải đổi mới thiết kế mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Thùy Linh

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 192 triệu USD, thu hút gần 1 triệu lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 55 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được. Nhiều sản phẩm làm ra chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn tương đối yếu so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…

Mẫu mã sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn đang là điểm yếu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta nói chung, làm cản trở giá trị gia tăng của dòng sản phẩm này. Ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, hiện sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm theo các mẫu truyền thống hoặc làm theo mẫu của nước ngoài do các khách hàng mang tới. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ.

Theo các chuyên gia trong ngành thủ công mỹ nghệ, đầu tư cho đội ngũ thiết kế, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động, nhất là công tác khảo sát thị trường của các làng nghề còn yếu đã khiến sản phẩm kém tính cạnh tranh. Phần lớn các làng nghề vẫn chủ yếu sản xuất gia công theo mẫu có sẵn do đối tác đặt hàng, ít sáng tạo hoặc mới làm theo các mẫu của nước ngoài. Mẫu mã kém hấp dẫn trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, nên sản phẩm sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, nhiều cơ sở cũng e ngại, nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái cho biết, hiện Thành phố có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm số lượng lớn. Hằng năm, Thành phố đã tổ chức được các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp Thành phố, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, giáo viên, sinh viên và những người yêu thích ngành thủ công mỹ nghệ. Qua đó, lựa chọn được hàng trăm mẫu thiết kế đạt chất lượng, giới thiệu tới các cơ sở sản xuất.

“Việc này góp phần quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ sản xuất làng nghề phát triển”, ông Thái nói.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đổi mới mẫu mã vẫn phải là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi tư duy, cách sản xuất và tiếp cận thị trường.

Theo bà Hà Thị Vinh, để sản phẩm của của doanh nghiệp có thể đến với nhiều thị trường hơn, doanh nghiệp cần tham gia nhiều hội chợ trong nước và ngoài nước để tham khảo các mẫu mã, xu hướng của thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp lớn…Nhờ chú trọng thiết kế, sản phẩm gốm sứ của doanh nghiệp bà đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ…

Điều đó cho thấy, nếu việc thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề được coi trọng, nhất là tính ứng dụng, tính thẩm mỹ của mỗi dòng sản phẩm thì hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tăng giá trị và có sức cạnh tranh tốt hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho doanh nghiệp và người làm nghề thủ công mỹ nghệ.

Thùy Linh

Top