Hầu hết các bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng

19/01/2018 3:20 PM

(Chinhphu.vn)-Trước mối nguy hại từ nước thải công nghiệp và y tế sẽ còn tiếp tục tăng lên, TP.Hà Nội đã yêu cầu các ngành phối hợp trong công tác quản lý nhằm kiểm soát nguồn xả, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, mặt nước.

Hệ thống xử lý nước thải ở Bệnh viện Nhi-Ảnh Intenet

Vừa qua, Thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn thành phố có 3 cơ sở gây ô nhiễm môi tnrờng nghiêm trọng gồm: Bệnh viện Nam Thăng Long; Khu xử lý chất thải Nam Sơn; Cảng hàng không Nội Bài.

Thành phố yêu cầu các cơ sở này phải có hình thức xử lý ô nhiễm, hoặc xây dựng, hoặc cải tạo hệ thống xử lý nước thải, thời hạn xử lý là trong giai đoạn năm 2017-2018. Đến nay, đã có 1/3 cơ sở được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cùng với đó, thành phố chỉ đạo, thực hiện rà soát tổng thể, thống nhất đánh giá thực trạng đầu tư, quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tập trung toàn bộ các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư 3 cụm công nghiệp (Liên Hà, huyện Đan Phượng; Ngọc Sơn huyện Chương Mỹ; Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) thực hiện đúng tiến độ cam kết về đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. UBND thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng triển khai Đề án xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp.

Liên quan đến xử lý nước thải y tế, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý nước thải tại các bệnh viện và cơ sở y tế; yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế vận hành thường xuyên các trạm xử lý nước thải đảm bảo đạt Quy chuẩn xả thải ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế rà soát hệ thống xử lý chất thải y tế của các đơn vị trong ngành, đề xuất UBND thành phố đầu tư nâng cấp.

Đến nay, hầu hết các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực thuộc ngành Y tế Hà Nội đều được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng. Hiện, còn 2 bệnh viện (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông và Bệnh viện Phục hồi chức năng) xử lý ban đầu bằng cloramin trước khi xả ra môi trường. Có 3 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp, đang xin chủ trương xây dựng dự án mới (là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Sơn Tây).

Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế tại 45 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. 34 bệnh viện tư nhân trên địa bàn đều có hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo đủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải lỏng y tế theo quy định.

Từ năm 2010 đến năm 2016, thành phố đã đầu tư xây mới hệ thống xử lý nước thải cho 30 bệnh viện, 40 phòng khám đa khoa khu vực; 11 bệnh viện còn lại đã được đầu tư theo quy mô bệnh viện trước đây hiện đã xuống cấp. Các trạm y tế xã, phường và phòng khám tư nhân chủ yếu xử lý bằng hóa chất khử trùng cloramin B trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước...

Vĩnh Hoàng

Top