Hệ thống đường sắt đô thị là ‘xương sống’ của hạ tầng giao thông

18/01/2024 2:41 PM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống đường sắt đô thị được xem như “xương sống” của hạ tầng giao thông vận tải. Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.

Hệ thống đường sắt đô thị là ‘xương sống’ của hạ tầng giao thông- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/DA

Mô hình TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất

Tại phiên Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhận định, lợi ích của TOD có thể thấy rõ là tăng cường hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế; xã hội và môi trường; giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; chi phí rẻ hơn xây dựng đường xá và các đô thị mở rộng.

Ông Trực cho hay, định hướng phát triển GTCC - vùng TOD đến năm 2030 tại Hà Nội đặt ra mục tiêu thị phần giao thông công cộng chiếm trên 50%. Đáng chú ý, Thành phố sẽ xây dựng 2 tuyến Skytraik - monorail dọc hai bên sông Hồng nhằm khai thác tối ưu không gian xanh cân bằng giữa 2 thành phố; xây dựng tuyến xe buýt nước trên sông Hồng; hoàn thành đô thị đường sắt trong đô thị trung tâm.

Đặc biệt là bước đầu sẽ xây dựng vùng hạn chế xe cơ giới trong nội đô lịch sử, khai thác tối đa kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, phát triển phố đi bộ và trung tâm văn hóa sáng tạo, ẩm thực…

Để việc phát triển TOD đạt được hiệu quả cao, ông Lê Chính Trực đưa ra một số điều kiện như: Hạn chế phát triển đô thị mới khu vực nội đô lịch sử và bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, đã xây dựng hiện hữu. Phát triển TOD có tính chất hạn chế nhà cao tầng, ưu tiên phát triển không gian ngầm, các điểm TOD theo tiêu chí tái thiết cải thiện điều kiện cảnh quan, môi trường.

Đồng thời, bảo đảm về phân bổ dân số, khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội. Tổ chức không gian TOD hiện đại, gắn với phát triển bền vững cần giải quyết về phương thức trung chuyển, bãi đỗ xe.

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những kinh nghiệm phát triển TOD tại Nhật và Anh. Bà Tomoko ABE, chuyên gia của ALMEC Corporation (Nhật Bản) cho rằng, trong phát triển TOD tại Hà Nội, chính quyền có thể tận dụng đất công không hiệu quả để xây dựng các tòa nhà phức hợp kết nối không gian ngầm.

Đưa ra ví dụ tại Nhật Bản, bà Tomoko nhấn manh, tòa nhà Tokyo Midtown hay nhà ga Tosuka là một công trình điển hình như vậy. Sau khi dự án được triển khai thì các cơ sở thương mại xung quanh mọc lên, chính quyền cũng xây dựng thư viện… trong khoảng cách đi bộ từ nhà ga tới trung tâm.

"Yêu cầu cốt lõi cho tất cả dự án TOD là phải kết nối được tới nhà ga trung tâm, vì vậy cần xác định được vùng TOD; các hành động TOD phải đảm bảo được thông suốt; phải xây dựng quy hoạch ngoại vi của thành phố.

Vì vậy, Hà Nội phải xây dựng chính sách TOD; có kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các công trình giao thông công cộng như đường sắt, nhà ga, các khu vực trung chuyển, các khu phức hợp xung quanh nhà ga… và bảo đảm vai trò của các bên liên quan với trách nhiệm cụ thể", chuyên gia này đề xuất giải pháp.

Cũng tại hội thảo, ông Hiroshi Nishimaki, CEO Công ty ExeIdea Ltd nhấn mạnh, đất đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị. Tại Nhật và Hà Nội có điểm chung là đất đai rất đắt. Vì vậy, khi thu hồi đất phải có biện pháp hạn chế giao dịch, tránh đầu cơ. Ví dụ, chúng ta có thể thành lập hợp tác xã. Từ đó, chính quyền chỉ phải làm việc với người đứng đầu hợp tác xã chứ không phải với từng thành viên. Tại Nhật có Luật TOD.

"Chúng ta cần có khung pháp lý để cho phép mua trước đất trước khi thực hiện tái điều chỉnh đất đai. Hệ thống pháp lý quan trọng, thậm chí phải có nghị quyết để thúc đẩy TOD, để khu vực công có đặc quyền thương thảo và kiểm soát giao dịch. Kinh nghiệm thu hồi đất một cách có chiến lược ở Nhật có thể áp dụng tại Việt Nam", ông Hiroshi Nishimaki nói.

Hệ thống đường sắt đô thị là ‘xương sống’ của hạ tầng giao thông- Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/DA

Kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thủ đô Hà Nội và TPHCM là 2 đô thị đặc biệt trên toàn quốc, có quy mô lớn về diện tích, dân số và tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời, có vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - đô thị cho các vùng miền xung quanh.

Hai thành phố đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị trong nhiều năm qua đã và đang được quan tâm, chú trọng triển khai.

"Nội dung được đóng góp tại hội thảo giúp cho chính quyền 2 thành phố có thêm dữ kiện, thông tin để nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu cấp bách đặt ra đối với việc hoạch định chính sách về quản lý và phát triển đô thị", ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, việc đầu tư phát triển cho hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị còn chậm, cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, đòi hỏi phải hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng.

"Thủ đô Hà Nội và TPHCM đã sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được xem như "xương sống" của hạ tầng giao thông vận tải. Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân. Hướng tới giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị gắn kết với hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn. Khai thác, vận tải đường sắt nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra trong nhiều chính sách phát triển đô thị, phát triển giao thông của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.

Bộ Chính trị đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có tập trung đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại. Đồng thời, tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, nội dung được đóng góp tại hội thảo mang tính thực tiễn cao, hữu ích, giúp cho chính quyền 2 thành phố có thêm dữ kiện, thông tin để nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu cấp bách đặt ra đối với việc hoạch định chính sách về quản lý và phát triển đô thị, phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Đồng thời, là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng.

Diệu Anh

Top