Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí

16/03/2018 5:42 PM

(Chinhphu.vn)-Chiều ngày 16/3, trong chương trình Hội Báo 2018 đã diễn ra Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và gặp gỡ, giao lưu một số nhà báo tuổi 90.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Chứng nhận hiến tặng hiện vật cho các cá nhân, gia đình nhà báo-Ảnh: Minh Nhung

Theo Ban tổ chức, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập ngày 28/7/2017. Trước đó Ban quản lý dự án đã nhận được nhiều hiện vật, tư liệu quý giá được tập hợp, nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến các giai đoạn phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam chưa được sưu tầm. Với mong muốn sớm tập hợp, nghiên cứu sử dụng và phát huy kịp thời giá trị của các di sản văn hóa báo chí, được phép của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 8.

Theo đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên vô cùng to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và nhiều công chúng báo chí trong cả nước. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được, vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các cơ quan, đơn vị, trong các bộ sưu tập cá nhân, nay chính thức được trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng Báo chí luôn coi đó là những tình cảm hết sức quý giá và sẽ giữ gìn, giới thiệu rộng rãi các di sản báo chí đến với công chúng trong, ngoài nước.

Trong số hàng nghìn hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận được, Bảo tàng rất xúc động khi nhận từ cố gia đình của nhà báo Xuân Thủy chiếc cà vạt lúc sinh thời ông thường dùng. Đặc biệt là chiếc ống nhòm mà nửa thế kỷ trước nhà báo Xuân Thủy đã sử dụng để nhìn sang bên kia cầu Hiền Lương trong chuyến công tác Vĩnh Linh và chiếc áo Tôn Trung Sơn ông mặc tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959 cùng một số bút tích, bản thảo, thư từ...

Trong Lễ hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Ban tổ chức cũng cho biết, Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ năm 1925 đã tiếp tục sứ mệnh to lớn của các thế hệ làm báo đi trước thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ cao cả của mình đối với đất nước, với nhân dân. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám nổ ra và tiếp đó là kháng chiến chống Pháp, đã có một bộ phận những người cầm bút hăng hái, nhiệt tình, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, hi sinh, coi cây bút như một vũ khí chiến đấu sắc bén. Họ chính là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tuyên truyền của Đảng.

Trong lễ hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay rất vinh hạnh được đón tiếp 10 trên 11 nhà báo lão thành-những ngọn bút đã góp phần viết nên lịch sử Báo chí cách mạng suốt 70 năm qua. Ngòi bút trên tay họ đã không ngừng làm việc vì dân, vì nước, đó chính là tâm huyết, là mục tiêu cầm bút lý tưởng sống của họ.

Minh Nhung

Top