Hiệu quả cao trong ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng

16/12/2019 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội (Ban quản lý rừng Hà Nội) đang quản lý 5.160,88 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới vào bảo vệ rừng đã thu được những hiệu quả tích cực.

Rừng Sóc Sơn được bảo vệ cảnh quan nhờ áp dụng tích cực CNTT - Ảnh: Đỗ Hương

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và cảnh báo cháy rừng

Trong số rừng phòng hộ và đặc dụng trên toàn địa bàn Hà Nội, có diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 1.744,03ha, rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Mỹ Đức là 3.416,85 ha. Ngoài ra, còn 5.000ha rừng trên 5 huyện khác của thành phố Hà Nội đang tiến hành các thủ tục bàn giao cho Ban quản lý rừng để quản lý.

Ban quản lý rừng Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan và môi trường, nghiên cứu khảo nghiệm và phát triển các loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây con đặc sản, đặc hữu quý hiếm, các giống lan, giống cây bản địa theo quy định của pháp luật….

Dự án "Phát triển Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp" giai đoạn II (FORMIS II) được Hà Nội triển khai từ năm 2013-2018 đã góp phần đem lại những hiệu quả to lớn cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung và cho Ban quản lý rừng Hà Nội nói riêng. Nhận thấy dự án này rất hiệu quả và phù hợp với thực trạng tại đơn vị hiện nay, Ban quản lý rừng Hà Nội đã chủ động liên hệ và được sự giúp đỡ của Tổng cục Lâm nghiệp, các thành viên trong Dự án Formis II hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, nhân viên của đơn vị và Ban đã có được sản phẩm cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng cho đơn vị.

Mới đây, được sự giúp đỡ của Hội chủ rừng Việt Nam, Công ty Simosol của Phần Lan, đội ngũ các bộ của Ban quản lý rừng Hà Nội được tập huấn và tạo lập hệ thống CSLD rừng của Ban quản lý rừng Hà Nội. Hệ thống CSDL được thiết lập cho từng lô rừng, được cập nhật diễn biến rừng thường xuyên, các báo được kết xuất theo yêu cầu quản lý và phục vụ cho theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Hiện tại hệ thống CSDL rừng đang được Ban quản lý rừng Hà Nội dùng cho các nhiệm vụ dự báo, và cảnh báo nguy cơ cháy rừng; lập kế hoạch quản lý rừng và thiết kế lâm sinh, hạ tầng lâm nghiệp; đang triển khai xây dựng các phương án quản lý rừng có hiệu quả. Các lĩnh vực trên được trình bày chi tiết dưới đây.

Cùng với đó, việc triển khai các thiết bị cảnh báo cháy rừng, trạm quan trắc tự động đã góp phần giữ rừng hiệu quả.

Năm 2019 Ban quản lý rừng Hà Nội đã lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết tự động dự báo và cảnh báo lửa rừng. Chúng sử dụng năng lượng mặt trời, tự động quan trắc các yếu tố thời tiết, liên tục phân tích diễn biến thời tiết để dự báo nguy cơ cháy rừng, và gửi thông tin về cho Ban Quản lý rừng. Các trạm này đã ứng dụng được thành tựu công nghệ hiện đại của tự động hóa ở mức cao. Các yếu tố từ trạm khí tượng, đến máy chủ và người sử dụng thông tin được kết nối qua mạng internet thành một hệ thống thông tin dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng hoàn chỉnh. Cả hệ thống hoạt động liên tục ngày đêm không cần nguồn điện, không cần người vận hành.  

Theo kế hoạch, từ năm 2020 Ban quản lý rừng Hà Nội dự kiến lắp đặt 3 trạm camera phát hiện sớm cháy rừng. Trạm camera này có thể phát hiện những đám cháy từ khi mới hình thành ở khoảng cách 5-10km. Khi phát hiện được đám cháy nó lập tức chuyển tin về đám cháy kèm theo một phương án chữa cháy đến Ban quản lý rừng. Các trạm này hoạt động liên tục ngày đêm không cần người vận hành, không cần nguồn điện, sử dụng nguồn điện mặt trời.

Ngoài ra đơn vị đã sử dụng ứng dụng flycam thiết bị quay phim trên không để quét ảnh từ trên cao, xác định sự thay đổi diễn biến rừng, sự phát triển của cây rừng và thuận tiện trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa hình đồi dốc cao. Flycam cũng sẽ được sử dụng vào chỉ huy chữa cháy rừng. Trong trường hợp có đám cháy xảy ra, flycam sẽ được sử dụng để quan sát trực tiếp đám cháy từ trên cao. Người chỉ huy chữa cháy sẽ quan sát trực tiếp hình ảnh đám cháy, phân tích đặc điểm lan truyền của đám cháy và điều kiện địa hình địa vật để tổ chức chữa cháy hiệu quả nhất.

Ứng dụng CNTT trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Cán bộ phụ trách kỹ thuật của Ban sử dụng các phần mềm như Mapinfo, FME Desktop, Global mapper, TileMill, Mapsource... trên máy tính để chuyển đổi các nội dung thiết kế lâm sinh (đường hạ cấp vật liệu cháy, lô thiết kế trồng rừng...) dưới dạng bản đồ số hóa đã được thiết kế trên phần mềm mapinfo cùng các lớp bản đồ khác (đường đồng mức, độ cao, đường giao thông, đường mòn lâm nghiệp...) thành những định dạng bản đồ số phù hợp (MBTiles, kmz, kml...) sau đó chuyển lên các thiết bị di động có hỗ trợ GPS như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tables), các loại máy GPS cầm tay (Garmin).

Để áp dụng được ứng dụng mới, Ban Quản lý rừng đã tổ chức lớp tập huấn: “Kỹ thuật lâm sinh và nghiệp vụ bản đồ, ứng dụng công nghệ bản đồ số” cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Ban  trước khi triển khai nhiều hạng mục sản xuất trong năm để cán bộ công nhân viên nắm được kỹ thuật cũng như cách thức sử dụng khi thực hiện công việc của mình. Hàng năm liên tục cập nhật các phần mềm, kỹ thuật mới trong quá trình triển khai thực tế công việc .

Sau khi nội dung cần thiết được chuyển lên thiết bị di động hiển thị thông qua các phần mềm như Geo tracker, GeoSurvey, Google map, Google earth... (các phần mềm miễn phí nhưng giới hạn chức năng) hoặc phần mềm Vtool (phần mềm bản quyền có nhiều tính năng ưu việt Ban đã mua và trang bị cho cán bộ, công nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2019, cũng như máy tính bảng cho các cán bộ quản lý chủ chốt).

Tỷ lệ áp dụng công nghệ bản đồ số trong quá trình thi công các hạng mục bắt đầu từ năm 2017 đã đạt 60%-70% và đến năm 2019 đã đạt 100% các hạng mục triển khai, số cán bộ công nhân viên dùng được ứng dụng đạt 95% (trong đó có cả các cán bộ, công nhân đã gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn thành thạo áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ).

Với hơn 5.000 ha rừng nằm trên 2 huyện Sóc Sơn và huyện Mỹ Đức có địa hình phức tạp, hiểm trở. Để tuần tra, kiểm đếm và thống kê về hiện trạng, diễn biến rừng thường xuyên và chính xác, những cán bộ BVR trước đây phải thường xuyên tuần tra, lội suối, băng rừng tới những vị trí sâu, xa, khó khăn vất vả trong quá trình đi lại. Cùng với đặc điểm diện tích quản lý rộng, trải dài trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội, việc theo dõi, kiểm soát, phát hiện cháy rừng cũng rất phức tạp, với một trạm gác rừng thì chỉ kiểm soát được không gian và thời gian hạn chế. Khi tình hình thời tiết cực đoan diễn tiến phức tạp, thời gian phát hiện và thông báo xảy ra cháy rừng chỉ cách nhau vài phút cũng ảnh hưởng đến hiệu quả dập lửa, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó số liệu, thông tin thu thập được lại bảo quản, lưu trữ thủ công trong hồ sơ giấy, để một thời gian do điều kiện tự nhiên, mưa gió làm hư hại, mờ chữ ,thất lạc, mất mát. Hiện nay, sau khi áp dụng hệ thống Formis, thiết bị bay flycam, hệ thống phát hiện sớm lửa rừng… công tác kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được gọn nhẹ hơn, tiết kiệm được thời gian, kinh phí, sức lực, nhanh chóng phát hiện các phát sinh mới như múc đất, san uỉ, chặt cây phá rừng, xây dựng trên đất lâm nghiệp, các dấu hiệu cháy rừng sớm. từ đó có các giải pháp chỉ đạo xử lý kịp thời hiệu quả. Cùng với việc tổng hợp báo cáo nhanh chóng, chính xác, kịp thời, ứng dụng hệ thống theo dõi diễn biến rừng giúp số liệu Ban được lưu trữ  và được sử dụng nhiều mục đích khác nhau, giúp ích nhiều hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đỗ Hương

Top