Hiệu quả kinh tế cao từ phát triển sản xuất lúa hàng hóa

17/09/2019 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Nhằm phát triển sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa, mở rộng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh dự kiến sẽ mang lại năng suất cao và hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Phát triển sản xuất lúa hàng hóa mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, mô hình sản xuất lúa tại xã Liên Mạc được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc có định hướng mở rộng liên kết, hợp tác đầu tư, được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo quản và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đồng thời tổ chức cho các thành viên của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc liên kết hợp tác sản xuất nông sản theo quy mô hàng hóa, mở rộng liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Xây dựng mô hình tiêu biểu để nhân rộng mô hình sản xuất.

Hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò là tổ chức kinh tế, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ cho các thành viên, nông dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng và tính hàng hóa cao, các dịch vụ phục vụ sản xuất như làm đất, tưới tiêu, khuyến nông… Theo đó đã tạo điều kiện cho các hộ thành viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từng bước hợp tác liên kết với nhau hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, góp phần ổn định việc làm, nâng cao đời sống thành viên.

Tuy nhiên các hoạt động dịch vụ của HTX vẫn chưa có tính cạnh tranh cao và hoạt động kém hiệu quả. Ngoài chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ sản xuất các HTX nông nghiệp phải tổ chức cho các thành viên phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo sản phẩm khép kín… nhưng cho đến nay hầu hết các HTX vẫn chưa làm được.

Bên cạnh đó, trong vụ mùa 2019, do diễn biến thời tiết khá phức tạp đối với sản xuất nông nghiệp, liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài từ giữa tháng 6 đến đầu tuần tháng 7. Ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy, làm chậm quá trình bén rễ hồi xanh của cây lúa. Đặc biệt vụ mùa năm nay mưa ít nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Giai đoạn lúa trổ bông gặp bão nên ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây lúa. Vấn đề quản lý thị trường trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa thường xuyên, chặt chẽ; chưa thực sự gắn kết giữa nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.

Mấy năm gần đây quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều công ty được thành lập đã thu hút lượng lớn lao động của địa phương vào làm việc. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp vất vả nhưng thu nhập thấp, bấp bênh do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại và nhiều nguy cơ tiềm ẩn rủi ro nên một số nơi người nông dân không muốn gieo trồng cây lúa.

Đạt hiệu quả cao

Chính vì vậy, Chi cục Phát triển nông thôn đã rà soát, lựa chọn và tiến hành “Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa năm 2019, tại HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc, huyện Mê Linh”. Nhằm tạo điều kiện cho HTX đã và đang có định hướng liên kết phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa, được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước; vận động được đông đảo các hộ nông dân hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, làm mô hình tiêu biểu để các huyện, thị xã học tập nhân rộng mô hình sản xuất.

Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh được thành phố Hà Nội chọn làm điểm xây dựng NTM giai đoạn 2012 đã đạt hoàn thành 19/19 tiêu chí. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với nghề trồng lúa nước lâu đời. Nhưng trong những năm gần đây kinh tế Liên Mạc đã có bước chuyển mình đáng khích lệ. Đặc biệt là hai thôn Bồng Mạc và Xa Mạc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của thành phố, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa bền vững. Do đó chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị canh tác. Để thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống có năng suất cao và chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương vào sản xuất nhằm bổ sung thêm cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện, thay thế dần các giống lúa cũ có năng suất chất lượng thấp tại địa phương.

Mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa năm 2019 tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh được triển khai với quy mô 25ha, với lựa chọn một điểm thực hiện mô hình tại xứ đồng Cổng Đình và xứ Đồng Xáo, gồm 203 hộ thành viên của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc.

Theo đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình cho thấy, năng suất lúa J01 dự kiến vụ mùa 2019 đạt 6,4 tấn/ha, bình quân 1ha tăng 0,8 tấn/ha so với các giống khác cấy năm 2018 (giống lúa thơm T10, TBR225 vụ mùa năm 2018 đạt 5,6 tấn/ha). Giá bán lúa J01 dự kiến 9.500 đồng/kg cho thu là 60,8 triệu đồng/ha, đem lại lợi nhuận cho các hộ tham gia mô hình đạt gần 30 triệu đồng/ha.

Qua triển khai mô hình này, ông Nguyễn Ngọc Long cho biết, để thực hiện mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa có hiệu quả cần bám sát vào nội dung quyết định được duyệt và các quy định hiện hành, Chi cục chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, lựa chọn HTX có đủ điều kiện để tham gia thực hiện mô hình, tuyên truyền thông báo rộng rãi lựa chọn các hộ tham gia mô hình công khai, dân chủ. Phối hợp chặt chẽ với Phòng kinh tế, UBND xã, HTX nông nghiệp, các đơn vị có liên quan để triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy định và đầy đủ các nội dung của kế hoạch đảm bảo yêu cầu đề ra. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cán bộ theo dõi mô hình, thường xuyên kiểm tra, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện…

Trong suốt quá trình triển khai mô hình, từ tháng 5/2019 đến tháng 9/2019, mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa năm 2019 xã Liên Mạc, huyện Mê Linh đã hoàn thành toàn bộ nội dung, yêu cầu mà mô hình đặt ra. Về công tác quản lý, tổ chức triển khai mô hình đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Phát triển nông thôn với Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, UBND xã Liên Mạc cùng HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc, giúp cho mô hình được triển khai kịp thời vụ, đúng tiến độ.

Mô hình triển khai đã có hiệu quả và tạo điều kiện cho các thành viên của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc liên kết hợp tác sản xuất nông sản theo quy mô hàng hóa, mở rộng liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Đồng thời cũng giúp cho Hội quản trị HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc có định hướng mở rộng liên kết, hợp tác đầu tư, được hưởng các chính sách đầu tư phát triển sản xuất gắn với bảo quản và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Thiện Tâm

Top