Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò chất lượng cao

02/10/2019 2:16 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển chăn nuôi đàn bò chất lượng cao không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân mà còn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Người chăn nuôi vui với chất lượng của bò thịt tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì - Ảnh: Thiện Tâm

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Kim Vũ, hiện nay tổng đàn bò thịt, bò sinh sản trên địa bàn Hà Nội là 122 nghìn con/62.843 hộ chăn nuôi. Trong đó, bò cái sinh sản tại 39 xã, vùng chăn nuôi trọng điểm với 39.626 con/21.951 hộ. Hà Nội có 92 trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%, tổng số bê thịt sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 55 nghìn con.

Bên cạnh đó, việc phát triển công tác giống theo 3 nhóm chiến lược gồm: Chuyên thịt (F1BBB); chuyên thịt chất lượng cao (F1 Wagyu) và dòng kiêm dụng (F1 Brahman; F1 Charolais, F1Droughmaster, F1Angus…).

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, năm 2010, 2014, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thi dẫn tinh viên giỏi thành phố Hà Nội. Năm 2013, Tổ chức thành công Hội chợ chăn nuôi-thú y-thủy sản TP Hà Nội lần thứ nhất; năm 2018 tổ chức Hội thi bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì lần thứ 2. Đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần T&T 159 kết nối tiêu thụ 260 bê lai Wagyu trên địa bàn huyện Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn. Và năm 2019, đón tiếp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thăm và làm việc tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội sẽ thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi Hà Nội giai đoạn 2019-2020, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống của nông dân; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường, giảm nhập khẩu thịt bò; bảo vệ môi trường, sinh thái. Bên cạnh đó sẽ hình thành và phát triển các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, việc xây dựng được vùng sản xuất bò giống và thương hiệu thịt bò Hà Nội sẽ tạo sản phẩm thịt bò chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Dự kiến sản xuất được 5,1 nghìn con bê thương phẩm, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 3 nghìn tấn thịt bò chất lượng cao. Gia tăng giá trị sản phẩm bê từ 10-20% so với các bê thông thường khác. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất bò giống hướng thịt chất lượng cao tại các huyện, thị xã có tiềm năng như: Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.

Để triển khai kế hoạch trên, trong năm 2019, Hà Nội đã thực hiện tập huấn, tham quan trao đổi kinh nghiệm; giám định, bình tuyển và gắn chíp điện tử cho 6 nghìn con. Xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai Wagyu chất lượng cao.

Chương trình sẽ áp dụng với đối tượng là các tổ chức, cá nhân tham gia chăn nuôi bò thịt tại các xã Minh Châu, Tòng Bạt, Thụy An, Minh Quang huyện Ba Vì; Tự Lập huyện Mê Linh; Lệ Chi huyện Gia Lâm… Với việc quản lý đàn bò cái sinh sản với số lượng khoảng 3 nghìn con, thời gian thực hiện từ tháng 9-12/2019; quản lý đàn bê chất lượng cao với số lượng 3 nghìn con, thời gian thực hiện cũng từ tháng 9-12/2019.

Việc xây dựng mô hình bò cái lai Wagyu sinh sản với mục đích tạo ra con lai có tỷ lệ máu bò Wagyu cao; làm tiền đề nâng cao chất lượng, giá trị đàn bò giống lai Wagyu, tiến tới nhân thuần và nâng cao khả năng thích nghi tại Hà Nội.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, ông Hoàng Kim Vũ cho biết, các hộ chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt phải có đủ đất đai, chuồng trại, lao động, kỹ thuật, kinh nghiệm, kinh phí đối ứng để nuôi được từ 10 bò cái sinh sản trở lên. Đồng thời cam kết thực hiện theo đúng quy định của mô hình, nghiêm túc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao và có đủ nguồn lực để đối ứng. Số lượng 1 mô hình triển khai tại 1 điểm với 5 hộ tham gia tại huyện Ba Vì, với quy mô 50 con.

Có thể thấy, việc xây dựng và hoàn thiện quy trình chăn nuôi bò cái lai Wagyu sinh sản phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Hà Nội và mang lại hiệu quả cao. Hình thành mô hình điểm về chăn nuôi bò cái lai Wagyu sinh sản, là nơi cho các hộ chăn nuôi, chủ trang trại đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho địa bàn Hà Nội. Thu nhập của người chăn nuôi bò lai Wagyu sinh sản tăng bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/bò cái/năm do bê lai Wagyu sinh ra có chất lượng tốt; giá trị giống cao hơn, có đầu ra ổn định.

Thiện Tâm

Top