Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu cho ngành nông nghiệp

17/10/2020 9:54 AM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đang tập trung chú trọng ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ...

Ảnh minh họa

Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nội dung và hình thức tập huấn đa dạng, phong phú cho các học viên là nông dân, chủ trang trại, khuyến nông viên, thành viên các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, cộng tác viên khuyến nông.

Điểm nổi bật, lĩnh vực trồng trọt đã tổ chức 131 lớp huấn luyện cho hơn 131.000 lượt cán bộ, nông dân về sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 227 lớp tập huấn cho 43.132 cán bộ, nông dân về quản lý sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; 89 lớp cho 4.756 cán bộ, nông dân về sản xuất chè an toàn; 210 lớp cho hơn 15.220 cán bộ, nông dân về lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng...

Tổ chức 246 lớp IPM trên cây lúa cho 88.560 nông dân; 4 mô hình SRI quy mô 10 ha/mô hình cho 400 nông dân; 76 mô hình SRI quy mô 50ha/mô hình cho 15.200 nông dân; 8 lớp đào tạo giảng viên (TOT) cho 240 lượt cán bộ trạm bảo vệ thực vật; nhân viên bảo vệ thực vật, khuyến nông cấp xã, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã...

Lĩnh vực thủy sản, Thành phố đã tổ chức trên 215 lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản kết hợp tham quan học tập thực tiễn cho trên 6.000 lượt bà con nông dân về kỹ thuật nuôi cá thâm canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các phương pháp phòng trị bệnh, quản lý kinh tế thủy sản, các quy định về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), ứng dụng CNTT trong quản lý môi trường ao nuôi thủy sản, nâng cao kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường... Tổ chức trên 1.060 lớp thu hút trên 64.00 lượt người chăn nuôi tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, người chăn nuôi cũng như các tác nhân tham gia chuỗi liên kết đã nắm vững các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức sản xuất...

Bên cạnh đó, Thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử, xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó, có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT; tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản; duy trì, phát triển Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị (www.chonhaminh.gov.vn). Hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như: ISO, HACCP, VietGap... Kết quả có 67 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP.

Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu (số lượng, loại hình) như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Kết quả xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể “Gạo Bồ Nâu” cho Hợp tác xã nông nghiệp xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai), “Gạo Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” và “Gạo thơm Bối khê” cho Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai); nhãn hiệu tập thể “Chè Long Phú” cho Hợp tác xã Long Phú, xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) và duy trì, phát triển nhãn hiệu “Chè Bắc Sơn” cho xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Nguyên Phương

 

Top