Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ‘vượt sóng’ TPP

21/04/2016 2:23 PM

(Chinhphu.vn) - TPP đem lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội nói riêng nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

DNNVV cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh minh họa

Để giúp DNNVV “vượt sóng” TPP, Hà Nội cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đối với Hà Nội, TPP sẽ tạo cơ hội thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, bởi Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước. Các DNNVV chiếm tới 97% tổng số các doanh nghiệp của Hà Nội.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, TPP sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Thành phố, nhất là Nhật Bản và Mỹ - hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội hiện nay.

Tính riêng năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang Nhật Bản đạt hơn 1,5 tỷ USD, sang Mỹ đạt gần 1,9 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tham gia TPP, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ giảm dần về 0% giúp các doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Hà Nội như dệt may, cơ - kim khí, linh kiện điện tử - máy tính... sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Mặc dù mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội, nhưng Hiệp định TPP cũng có những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt là các DNNVV cần nỗ lực hơn nữa về mọi mặt.

Chủ động để cạnh tranh

Để DNNVV bắt kịp với những đòi hỏi thực tế khi TPP chính thức có hiệu lực, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố cùng các sở, ngành sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia TPP nói riêng.

Trong đó, tập trung vào những giải pháp trọng tâm như ban hành cơ chế, chính sách sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa bàn, phù hợp với cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc, giúp doanh nghiệp xây dựng sản phẩm chủ lực, tiếp cận, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm đối tác, mở rộng thị trường.

Về phía các doanh nghiệp, ngay từ bây giờ, các DNNVV nên bắt đầu nghiên cứu kỹ thị trường TPP để hiểu biết thị hiếu và xu hướng phát triển, xây dựng chiến lược phát triển, quyết định thời điểm và quy mô thâm nhập thị trường, xác định phương pháp marketing phù hợp. Chủ động đề xuất và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại...

Các DNNVV Hà Nội cũng phải sẵn sàng, chủ động các điều kiện để cạnh tranh, vừa giữ được thị trường trong nước, vừa thâm nhập được vào thị trường các nước TPP, đưa kinh tế Thủ đô hội nhập sâu hơn, tăng trưởng bền vững hơn.

Diệu Anh

Top