Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Mê Linh

18/03/2018 4:57 PM

(Chinhphu.vn) - Để chung tay giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân trên địa bàn huyện Mê Linh tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh, siêu thị, chuỗi thực phẩm… trên địa bàn Hà Nội triển khai ngay việc kết nối đưa sản phẩm củ cải vào kênh phân phối.

Khó khăn tiêu thụ củ cải tại huyện Mê Linh. Ảnh: Thùy Linh

Hiện nay, trên đại bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có nhiều sản phẩm nông sản (củ cải, bắp cải, su hào...) đến thời điểm thu hoạch nhưng rất khó khăn trong công tác kết nối, tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm củ cải. Cụ thể, theo báo cáo của huyện Mê Linh, xã Tráng Việt có diện tích sản xuất rau khoảng 305 ha (sản xuất hoa, rau củ như su hào, bắp cải, củ cải, bí xanh, trái cây...), trong đó diện tích sản xuất củ cải khoảng 80 ha theo hướng sản xuất an toàn, VietGap, chiếm 26,3% diện tích sản xuất rau.

Về tiêu thụ, 95% sản lượng được tiêu thụ qua thương lái, chợ dân sinh và 5% sản lượng tiêu thụ qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm Fivimart, BigC, Vinmart...). Việc tiêu thụ sản phẩm củ cải qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm góp phần hỗ trợ giá cho nhân dân, xác lập giá thu mua cho thương lái.

Nguyên nhân của việc tồn đọng lượng củ cải tại vùng sản xuất dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời đối với sản phẩm củ cải tại xã Tráng Việt là do người nông dân sản xuất gói vụ đúng vào dịp Tết, các đơn vị kinh doanh nghỉ nhiều, sức mua giảm; do thời tiết sau Tết thuận lợi cho các loại rau phát triển, sản lượng cao; một số gia đình nông dân, thương lái gom hàng chờ giá cao nên dẫn đến tồn đọng lại một khối lượng sản phẩm lớn không kịp bán trong khi giá càng ngày càng xuống thấp....

Hiện nay diện tích sản xuất củ cải đến thời gian thu hoạch tại xã khoảng 20 ha, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn đang khó khăn tiêu thụ khoảng  10-15 ngày tới.

Mới đây, tại buổi họp bàn "giải cứu" củ cải tổ chức tại huyện Mê Linh, đại diện lãnh đạo 8 đơn vụ phân phối của Hà Nội cam kết hỗ trợ tiêu thụ củ cải xã Tráng Việt trong thời gian như: Hệ thống siêu thị Big C cam kết hỗ trợ tiêu thụ khoảng 30 tấn; hệ thống Fivimart cam kết tổ chức quầy hàng giới thiệu, bán củ cải tại khuôn viên mỗi siêu thị; chuỗi thực phẩm Tâm Thành, Bigreen cam kết hỗ trợ bán hàng không lấy lãi ủng hộ người dân... Về cơ bản sẽ góp phần hỗ trợ tiêu thụ 1.200 tấn củ cải trong thời gian tới, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hà Nội hướng dẫn các hợp tác xã của Tráng Việt định hướng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.

Kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Để chung tay giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh, siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống chuỗi thực phẩm, Ban Quản lý các chợ nhanh chóng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm trên địa bàn Hà Nội triển khai ngay việc kết nối đưa sản phẩm củ cải vào kênh phân phối, bếp ăn tập thể của các đơn vị.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cần hỗ trợ tối đa việc thu mua và bán sản phẩm củ cải cho xã Tráng Việt (tăng sản lượng mua, tổ chức nhiều địa điểm tiêu thụ...) và liên hệ với đại diện Hợp tác xã Tráng việt để hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm củ cải.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ cho người nông dân trong khâu sơ chế, chế biến sản phẩm (cắt, sấy khô, sơ chế các loại...) khi bà con nông dân hoặc các hợp tác xã có nhu cầu (hiện có Công ty CP Tràng An, Công ty Bánh Mứt kẹo Hà Nội cam kết hỗ trợ sấy khô miễn phí củ cải cho người dân, sản lượng sấy trung bình đạt từ 2-20 tấn/ngày).

Các siêu thị bố trí tổ chức điểm bán củ cải tại vị trí thuận tiện trong khuôn viên siêu thị, cửa hàng kinh doanh để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, mua sắm.

Đồng thời, đề nghị UBND huyện Mê Linh, UBND xã Tráng Việt tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; UBND Thành phố cho phép xe ô tô chở nông sản của các hợp tác xã trên địa bàn xã Tráng Việt được hoạt động tại khu vực nội thành vào giờ cao điểm để cung ứng củ cải tới các kho, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, siêu thị...

Để sản phẩm nông sản của xã Tráng Việt ổn định về đầu ra, bà con nông dân yên tâm sản xuất, theo bà Lan về lâu dài cần tổ chức nắm bắt được cung-cầu thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm đủ số lượng, chất lượng, thời vụ, đa dạng mặt hàng... Việc sản xuất sản phẩm nông cần áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản phẩm sản xuất ra bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vào kênh phân phối hiện đại...

Thùy Linh

Top