Hỗ trợ vốn đối với các đơn vị đầu tư hạ tầng còn khó khăn

30/06/2020 9:44 AM

(Chinhphu.vn) - Phát biểu tại Hội nghị “Xúc tiến hoạt động cho vay đối với các dự án kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp” ngày 30/6, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Bảo cho biết, thời gian tới, Quỹ sẽ làm việc với các chủ đầu tư có các dự án kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngay từ giai đoạn đầu, rút gọn quy trình và thời gian, thẩm tra. Các chủ đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, hồ sơ để được vay ưu đãi của Quỹ.

Đồng chí Phạm Ngọc Bảo chủ trì Hội nghị - Ảnh: Minh Anh

Theo ông Phạm Ngọc Bảo, trong những năm gần đây, gia tăng mật độ dân số và suy giảm chất lượng không khí đang là vấn đề ngày càng trở nên đáng báo động ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TPHCM. Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Theo đó, UBND Thành phố đã phê duyệt theo từng giai đoạn các Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) nhằm ưu tiên đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN phục vụ di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị.

Năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Thành phố Hà Nội sẽ có 159 CCN với tổng diện tích là 3.204,31 ha. Quy hoạch được phê duyệt góp phần chuẩn hóa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (HTKT) các CCN đã đầu tư, đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về CCN như: giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của CCN.

Hiện nay, nguồn vốn điều lệ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố được tập trung chủ yếu để triển khai hoạt động cho vay đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH ưu tiên phát triển của Thủ đô. Riêng từ khi hợp nhất, năm 2017 đến nay, Quỹ đã quyết định cho vay và ký hợp đồng tín dụng 25 dự án với giá trị gần 1.300 tỷ đồng (năm 2017 là 161,5 tỷ đồng; năm 2018 là 235,6 tỷ đồng; năm 2019 là 900 tỷ đồng); trong đó cho vay lĩnh vực nước sạch 141,8 tỷ đồng, điện lực 195 tỷ đồng, giáo dục 147 tỷ đồng, nhà ở xã hội 480 tỷ đồng, nhà ở tái định cư 331 tỷ đồng.

Sau khi giới thiệu về nguồn vốn, cơ chế cho vay, điều kiện cho vay đối với các dự án, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã hướng dẫn cụ thể thủ tục trình tự, hồ sơ vay vốn tại Quỹ. Đồng thời, đại diện các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay.

Tại Hội nghị “Xúc tiến hoạt động cho vay đối với các dự án kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp” mới đây, nhiều chủ đầu tư đã có kiến nghị liên quan đến biện pháp bảo đảm tiền vay và mục đích sử dụng vốn. Trước kiến nghị này, ông Phạm Ngọc Bảo cho biết, Quỹ sẽ chủ động tiếp cận, làm việc với các chủ đầu tư để tìm hiểu nhu cầu, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngay từ giai đoạn đầu, rút gọn quy trình và thời gian, thẩm tra. Các chủ đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, hồ sơ để được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ. Điều này góp phần hỗ trợ các đơn vị thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp khắc phục khó khăn về vốn khi thực hiện dự án.

Minh Anh

Top