Hoài Đức: Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án từ huyện lên quận

23/08/2019 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, Hoài Đức cần tập trung nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các sở ngành để sớm hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận theo chủ trương của Thành phố.

* Cử tri Hoài Đức cần đồng lòng thực hiện Đề án lên quận vào năm 2020

* Hà Nội sẽ có thêm một quận từ năm 2020

Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế xã hội của huyện cần phải có tầm nhìn, đảm bảo đồng bộ với quy mô, cơ cấu chính quyền đô thị và mô hình tổ chức quận.

Nằm ở phía Tây Thủ đô, huyện Hoài Đức có xuất phát điểm khá thấp khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 22 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 4,5%. Kết quả rà soát, 19 xã chỉ đạt bình quân 8,8/19 tiêu chí nông thôn mới… Dù vậy, với sự vào cuộc triển khai đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, ủng hộ của đông đảo nhân dân, cuối năm 2016 đã có 19/19 xã của huyện Hoài Đức đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Hoài Đức được Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”.

Bên cạnh việc đưa 19 xã về đích nông thôn mới, Hoài Đức đặc biệt chú trọng tới nâng cao đời sống cho người dân. Việc triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển đã góp phần nâng cao gấp 2,5 lần thu nhập cho người dân, lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến đầu năm 2019 chỉ còn khoảng 0,9%; cơ sở hạ tầng ngày một đồng bộ; y tế - văn hóa - giáo dục được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo.

Có được những kết quả trên, phải kể tới nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, từ năm 2010 đến nay Thành phố đã hỗ trợ huyện Hoài Đức gần 757 tỷ đồng; địa phương tự cân đối, bố trí gần 4.200 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được huyện triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả tích cực.

Thống kê 10 năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp 2.450 ngày công, hiến tặng 90 nghìn m2 đất nông nghiệp, hàng ngàn mét vuông đất thổ cư và tài sản có giá trị… Tổng vốn huy động ngoài ngân sách do nhân dân đóng góp để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới lên tới 654 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, mặc dù là địa phương nằm trọn trong các quy hoạch phân khu đô thị, quá trình đô thị hóa nhanh, tuy nhiên, công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, tổ chức thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, Hoài Đức cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp địa phương trên cơ sở phát huy thế mạnh một số cây trồng; đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, trong đó, chú ý bảo đảm hai vấn đề phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt và tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo quyết định của UBND TP. Hà Nội.

Thùy Chi

Top