Hoài Đức ‘phổ cập’ nước sạch vào cuối năm 2018

21/06/2018 5:50 PM

(Chinhphu.vn) – Những năm qua, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ trương xã hội hóa nước sạch một cách đúng đắn, kịp thời của thành phố Hà Nội đã giúp phần lớn người dân Hoài Đức được sử dụng nước sạch, từng bước cải thiện được đời sống sinh hoạt.

Huyện Hoài Đức là một trong những địa phương của Thành phố thực hiện kêu gọi xã hội hóa công tác nước sạch. Cuối tháng 3/2017, thành phố Hà Nội đã quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần hạ tầng kỹ thuật VTS đầu tư dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 14 xã và 1 thị trấn của huyện Hoài Đức.

Theo đó, giai đoạn 1 đến năm 2020 dự án đạt công suất cấp nước là 42.500 m3/ngày đêm, phục vụ cho nhân dân Hoài Đức. Sau khi có quyết định đầu tư, Công ty đã nhanh chóng phối hợp với các phòng, ban của huyện Hoài Đức triển khai các công việc xây dựng để cấp nước theo tiến độ.

Tính đến nay, đã có khoảng 60% số hộ dân trên địa bàn huyện Hoài Đức được tiếp cận nước sạch. Nhiều địa phương đã cơ bản được “phổ cập” nước sạch tập trung như Vân Canh, Di Trạch, Kim Chung, Sơn Đồng, Song Phương…

Hiện, Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông - đơn vị được Thành phố chấp thuận đầu tư cấp nước cho 2 xã: Vân Côn và An Thượng cũng đang tích cực thi công mạng lưới dịch vụ, lắp đặt đồng hồ, súc xả đường ống, thử áp… nhằm sớm đưa nước sạch đến với đông đảo người dân các địa phương.

Với việc 3 xã: An Khánh, La Phù và Đông La đã được cấp nước sạch từ trước năm 2017, đến nay, mạng lưới truyền tải và phân phối nguồn nước sạch đã phủ kín trên địa bàn toàn huyện Hoài Đức.

Nhiều người dân Hoài Đức đã rất phấn khởi bởi sau 10 năm trở thành công dân Thủ đô, họ đã được sử dụng nước sạch, không khác gì… một cư dân đô thị!

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết, để thay đổi thói quen sử dụng nước bấy lâu nay của người dân là điều không dễ dàng. Nhưng khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là mức ứng góp vốn 4,2 triệu đồng/hộ gia đình.

Tuy nhiên, với tinh thần chủ động cao nhất, thông qua 12 hội nghị tuyên truyền được UBND huyện Hoài Đức tổ chức xuyên suốt năm 2017, người dân đã hiểu rằng, số tiền ứng góp trên không phải là chi phí lắp đặt mà sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng nước hàng tháng trong vòng 8 năm. Nhận thức được nội dung trên, cũng như ý nghĩa của nước sạch đối với sức khỏe, người dân đã ủng hộ mạnh mẽ chủ trương chung.

“Trong quá trình triển khai, không tránh được người dân phản ứng khi hệ thống đường giao thông bị đào xới ảnh hưởng tới việc đi lại. Do đó, cùng với đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án, huyện thành lập các tổ giám sát cộng đồng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, để hiện thực hóa được mục tiêu huyện phấn đấu đến cuối năm 2018, sẽ hoàn thành việc cấp nước sạch cho 100% hộ dân, ông Trường kiến nghị Thành phố chỉ đạo 2 chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn trả công trình và cấp nước phục vụ người dân.

Cùng với đó, trong quá trình thi công, cần bảo đảm các vấn đề về vệ sinh môi trường và an toàn giao thông, tránh ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Đồng thời rà soát, lắp đặt bổ sung hạ tầng cấp nước sạch bảo đảm nhu cầu trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển làng nghề và tiến trình đô thị hóa của địa phương trong giai đoạn tới.

Diệu Anh

Top