Hoàn thiện Luật Thủ đô để phù hợp với tình hình mới

18/10/2019 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tổng kết 3 năm lần 2 về thực hiện Luật Thủ đô, sau 6 năm triển khai thi hành Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai thực hiện. Các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cũng theo báo cáo của Thành phố, việc thực hiện Luật bước đầu đã tập trung huy động được nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô; phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển. Thủ đô đang ngày càng khang trang, to đẹp, thân thiện hơn đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và Nghị quyết thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, báo cáo của Thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và một số Bộ, ngành trong việc xây dựng một số văn bản triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô còn chậm.

Một số quy định của Luật Thủ đô như mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành và các tỉnh, thành phố khác còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi. Luật Thủ đô đề ra nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện trong cùng một thời điểm, nên khó khăn khi tổ chức thi hành.

Phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế (Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công....).

Phần lớn các cơ chế chính sách, quy định trong các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Thành phố (Nghị quyết, Quyết định) chưa thực sự tác động nhiều, tích cực cho động lực phát triển hoặc khả thi trên thực tế.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh…

Trước thực tế này, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô; đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện pháp luật về Thủ đô; chủ động trong việc phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô nhằm phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, thiếu tính khả thi; kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục việc rà soát đối với cơ sở sản xuất công nghiệp, một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nội thành; đồng thời có kế hoạch quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất thu hồi.

Để hoàn thiện pháp luật Thủ đô nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển Thủ đô trong tình hình mới, cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô như Quy định nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô khi Luật chuyên ngành thay đổi; bổ sung quy định tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm, tình hình của Thủ đô Hà Nội theo tinh thần của Điều 111 Hiến pháp năm 2013; áp dụng cơ chế quản lý của chính quyền đô thị tại đơn vị hành chính đã được quy hoạch là thành phố vệ tinh tại Thủ đô…

UBND thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố ttiếp tục tăng cường công tác giám sát thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết. Xem xét, thông qua các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề xuất của UBND Thành phố phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong tình hình mới; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các quy định của Luật Thủ đô.

Minh Anh

 

Top