Hội nhập quốc tế cần theo hướng ‘đi tắt đón đầu’ công nghệ

05/02/2018 5:19 PM

(Chinhphu.vn) – Ngày 5/2, Chủ tich UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế Thành phố đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Chủ tich UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP. Hà Nội, trong năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được các sở, ngành đẩy mạnh, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ... Với sự nỗ lực đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của Hà Nội đã tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước đến nay.

Trong 3 năm qua, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực như kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng trong việc giải quyết các nội dung liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân; khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Qua đó, kinh tế của Hà Nội tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,3% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu tăng cao và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Hà Nội.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 11.779 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2016. Hà Nội cũng là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lũy kế đến nay, Thành phố thu hút được 27,64 tỷ USD với 4.250 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 14,5 tỷ USD.

Quá trình hội nhập quốc tế đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, tuy nhiên trong quá trình triển khai Thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hạn chế. Sự phối kết hợp giữa các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn của doanh nghiệp nước ngoài; năng suất lao động tăng chậm;...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP. Hà Nội, nguyên nhân của những tồn tại đó xuất phát từ hệ thống cơ chế, chính sách chung của Nhà nước chưa đồng bộ, kịp thời và phù hợp với thực tiễn; nhiều cơ chế, chính sách chậm được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung.

Nhằm khắc phục những yếu kém này trong năm 2018, TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố trên tất cả các lĩnh vực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh; thực hiện các nội dung về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với quy hoạch nông thôn mới...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ngành, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức theo hướng đi tắt đón đầu công nghệ, lĩnh vực mới thực chất, hiệu quả sát với thực tế. Đồng thời không bó gọn vào việc giới thiệu doanh nghiệp, hàng hóa mà cần mở rộng sang lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi nhưng vẫn huy động được hỗ trợ từ phía đối tác quốc tế cả về kinh phí và chất xám.

 Đặc biệt trong quá trình kêu gọi đầu tư nước ngoài, mua bán chuyển giao công nghệ, các sở, ngành cần chú trọng kêu gọi những dự án chất lượng cao thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, nông nghiệp, văn hóa, kinh tế xã hội...  doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ lợi nhuận. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ngành cần đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ và vùng Thủ đô...

Thùy Linh

Top