Hướng đến phát triển vùng chăn nuôi bò thịt an toàn chất lượng cao

10/08/2020 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Là vùng có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò thịt, từ chăn nuôi tự phát với giống bò cũ, kém chất lượng, trong những năm gần đây, xã Minh Châu huyện Ba Vì đã thay đổi phương thức sản xuất sang chăn nuôi chuyên canh với giống bò chất lượng cao. Nhờ vậy, đời sống của nông dân đã được thay đổi đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xã Minh Châu có doanh thu ước đạt khoảng 30 tỷ đồng (thu từ bán bò, bê thịt các loại).

Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Thiện Tâm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, xã Minh Châu là xã vùng bãi được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng có diện tích đất tự nhiên khoảng 950 ha, trong đó diện tích đất canh tác là 284,4 ha. Với đặc thù là một xã Đảo xung quanh là sông nước nên việc đi lại gặp không ít khó khăn, trắc trở, từ khi cầu Vĩnh Thịnh được khánh thành thì việc đi lại của xã đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) không có nghề phụ. Tuy nhiên vì đất rộng, hơn nữa là vùng bãi nên việc trồng cây hoa màu, cây nông nghiệp phục vụ phát triển chăn nuôi rất xanh tốt, trở thành tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt, mang lại thu nhập cho người dân. Trong những năm gần đây đời sống của người nông dân đã được thay đổi đáng kể do thay đổi phương thức sản xuất, trong đó phải kể đến một nghề phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Hiện nay, thu nhập từ chăn nuôi bò chiếm 35% tỷ trọng kinh tế trong toàn xã.

Từ những năm 2000 khi ngành nông nghiệp Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội) có chủ trương cải tạo, nâng cao chất lượng giống đàn bò, chương trình Sind hóa đàn bò, Minh Châu là xã đi đầu trong việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ giống bò Vàng Việt Nam chủ yếu nuôi làm sức kéo, chưa phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên canh đã dần được thay thế bằng giống bò Zebu, giống bò chất lượng cao, người dân bắt đầu chú ý đến việc chăn nuôi để phát triển kinh tế và đàn bò của xã bắt đầu được tăng dần qua từng năm, đến năm 2005 tổng đàn bò toàn xã là 1.850 con.

Năm 2007, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội thi bò thịt, bò sinh sản xã Minh Châu lần thứ nhất, thông qua Hội thi người dân cả nước biết đến người dân ở Minh Châu, biết đến tiềm năng, lợi thế về phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại xã. Hơn nữa các chính sách về phát triển giống bò của Hà Nội cũng đã được quan tâm, đầu tư. Một loạt giống mới chất lượng cao được đưa vào sản xuất xuất phát từ Chương trình Sind hóa đàn bò (như các giống Brahman, Droghmarter, Anger, bò BBB, bò Wagyu …). Từ đây đàn bò xã Minh Châu đã phát triển mạnh và tạo thành vùng sản xuất bò chất lượng cao, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng đàn bò trên địa bàn xã tăng rõ rệt từ 1.850 con năm 2007 đến năm 2010 đàn bò tăng lên là 2.466 con, năm 2019 tổng đàn bò là 3.986 con, tính đến tháng 6 năm 2020 tổng đàn bò là 4.357 con; tạo thành vùng sản xuất giống bò chất lượng cao cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại xã có số lượng đàn bò thịt đứng đầu cả Thành phố cả về số lượng và chất lượng. Về thu nhập từ chăn nuôi bò trong 6 đầu năm 2020 của xã Minh Châu doanh thu ước đạt khoảng 30 tỷ đồng (thu từ bán bò, bê thịt các loại).

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

Để chăn nuôi bò thịt trở thành một nghề, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Thành phố về cơ chế chính sách phát triển giống, sự nỗ lực của người dân, phải kế đến việc đẩy mạnh công tác truyền thông của thành phố. Với những Hội thi bò chất lượng cao (năm 2007, 2018), thi Dẫn tinh viên giỏi nhằm quảng bá sản phẩm, giới thiệu được giống chất lượng cao để người dân, người chăn nuôi biết về những chính sách, hiệu quả từ chăn nuôi bò thịt. Đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm nghề phát triển giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt thông qua các Hội thi đã thay đổi nhận thức của người dân xã Minh Châu trong việc chuyển đổi sang chăn nuôi hàng hóa tạo thành vùng sản xuất con giống, sản xuất bò thịt chất lượng cao cung cấp cho các địa phương trong cả nước. Hơn nữa thông qua công tác truyền thông đã nâng cao nhận thức, kỹ thuật cho người dân thích ứng việc phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao đòi hỏi phải cải tiến kỹ thuật, thậm chí từ bỏ thói quen lạc hậu, thiếu sự đâu tư cho các tiêu chí kỹ thuật. Nâng cao nhận thức về thị trường, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Hiện nay, việc phát triển chăn nuôi bò thịt tại Minh Châu còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng, do chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu cho ngành chăn nuôi bò thịt tại Minh Châu, tạo kết nối “cung” “cầu”, chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến sản phẩm bò thịt để cung cấp đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn để tạo cơ sở chăn nuôi lớn, chăn nuôi bò thịt công nghệ cao.

Vì vậy, để phát triển chăn nuôi bò thịt phát triển ổn định, bền vững, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, xã Minh Châu cần tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ. Đồng thời phát triển ổn định đàn bò tại địa phương, trong đó duy trì tốt đàn bò cái nền để sản xuất giống, làm tốt hơn công tác tuyên truyền nhân dân áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo bò 100 % để nâng cao chất lượng đàn bò thịt; đặc biệt là các giống bò có sản lượng thịt và chất lượng thịt cao (như BBB; Wagyu …). Khuyến khích người dân giữ lại bò giống (bò Sind, Brahman, Wagyu …) cái để làm nền và lai tạo ra thế hệ bò lai. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định. Từ năm 2018 đến nay đã có Công ty T&T 159 về ký kết tiêu thụ sản phẩm bò thịt cho người chăn nuôi, đây là tín hiệu tốt để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, triển khai liên kết để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm (nhất là bò BBB, bò Wagyu …) để tạo giá trị gia tăng cho đàn bò của địa phương. Thu hút để các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi tiến tới sản xuất các loại thức ăn (TMR, TMF …) để đảm bảo đủ lượng thức ăn, bán sản phẩm thức ăn cho các vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của vùng đất bãi có rất nhiều thuận lợi cho trồng cây làm thức ăn chăn nuôi (cỏ, cây họ đậu, ngô …). Từ đây vừa phát triển chăn nuôi bò, vừa có thể sản xuất thức ăn chăn nuôi tiến tới chăn nuôi công nghệ cao. Đặc biệt, với lợi thế từ phát triển chăn nuôi nhìn xa hơn nữa Minh Châu còn có tiềm năng gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, bởi xã có lợi thế địa hình được ví như một “đảo ngọc” nên đất đai màu mỡ phù hợp phát triển nhiều cây, con chất lượng cao.

Thiện Tâm

Top