Hướng Hà Nội thành hạt nhân phát triển chăn nuôi bò của khu vực

02/06/2019 2:20 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2/6, Bộ NN&PTNT và tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm quan đàn bò thịt chất lượng cao tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Thiện Tâm

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bí thư tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện các ban, ngành, địa phương...

Theo đại diện huyện Ba Vì, trong những năm vừa qua chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện có nhiều phát triển mạnh mẽ. Tại huyện đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm, với tổng đàn bò thịt đạt trên 20 nghìn con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có gần 150 trang trại bò với quy mô từ 20 con trở lên, có trang trại chăn nuôi, vỗ béo từ 80-100 con bò thịt.

Công tác lai tạo đàn bò cái nền, hiện toàn huyện có khoảng 16,5 nghìn con bò cái nền. Trước năm 2000, đàn bò cái nền Ba Vì chủ yếu là bò vàng (bò cóc) có thể trạng thấp, bé. Thực hiện chương trình sind hóa đàn bò, hiện nay đàn bò cái nền cơ bản là bò lai Zebu (lai Sind, Bratmam...). Điểm nổi bật trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Cơ bản đàn bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hàng năm có trên 15 nghìn bê lai các giống bò chuyên thịt năng suất, chất lượng cao như BBB, Agus, Zebu, Wagyu... được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Bê sinh trưởng nhanh, giá bán cao hơn so với bê thông thường cùng độ tuổi từ 5-7 triệu đồng/con.

Để đẩy mạnh phong trào phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn huyện, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức các hội thi bò của thành phố và xã Minh Châu. Đồng thời liên kết, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp để phát triển đàn bò chất lượng, tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện đầu ra ổn định cho người chăn nuôi như Cty TNHH MTV giống Gia súc Hà Nội, Công ty Nam Thái, Công ty T&T159... Ngoài ra huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị triển khai chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi như: Mô hình vỗ béo bò, ủ rơm bằng ure, đệm lót sinh học... 

Trong những năm qua, huyện Ba Vì đã trở thành điểm tham quan trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt của nhiều đoàn của thành phố và từ các tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để phát triển chăn nuôi bò hiệu quả, thời gian qua Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế hộ, trong đó có chăn nuôi bò thịt. Với đàn bò giống ban đầu đến nay Hà Nội đã nhân giống và phát triển đàn bò với số lượng lớn và chất lượng cao, thay thế giống bò cũ (bò cóc) chất lượng thấp, bé, chống chịu kém với thời tiết. Điều này cho thấy hướng chuyển đổi cơ cấu trong chăn nuôi của Hà Nội là hướng đi đúng đắn và đạt hiệu quả cao.

Nhân dịp tỉnh Thái Bình ra thăm quan và học hỏi phương thức phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Thái Bình 100 con bò giống lai sind để phát triển sản xuất trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị thành phố Hà Nội trong thời gian tới có thể phát triển gấp đôi đàn bò hiện có; tỉnh Thái Bình phải phát triển gấp 3,4 lần do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong thời gian tới của nước ta sẽ tăng từ 330 nghìn tấn lên đến 1 triệu tấn.

Bên cạnh đó cần tập trung phát triển bò thịt chất lượng cao và hình thành ngành kinh tế về chăn nuôi bò. Trong đó Hà Nội sẽ dần trở thành trung tâm chuyển giao về phát triển chăn nuôi bò của cả nước và hướng tới khu vực ASEAN.

Thiết lập hình thức tổ chức sản xuất phù hợp lấy doanh nghiệp làm mũi nhọn, nòng cốt. Chăn nuôi đáp ứng được ba yếu tố về kinh tế, du lịch và tối đa lợi nhuận. Chú ý tới sinh kế người dân và chuỗi, lấy người dân làm trọng. Khoa học công nghệ phải được áp dụng ở tất cả các công đoạn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng Hà Nội và Thái Bình sẽ trở thành hạt nhân trong phát triển chăn nuôi đàn bò ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, phát triển thành thương hiệu trong những trung tâm lớn ở nước ta, hướng tới vươn tầm của ASEAN và Đông Nam Á.

Thiện Tâm

Top