Hướng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội ra thị trường quốc tế

27/02/2018 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Lắng nghe hơn 20 ý kiến phản ánh, kiến nghị từ đại diện nông dân Thủ đô liên quan đến ngành nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, cần phát triển theo hướng đồng bộ, mở rộng thị trường và hướng đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gặp gỡ, tiếp xúc đại diện nông dân Thủ đô. Ảnh: Gia Huy

Sáng 27/2, tại trụ sở UBND huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện nông dân Thủ đô về tình hình tổ chức, kết quả hoạt động công tác hội và phong trào nông dân Thủ đô tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tăng liên kết từ sản xuất đến thị trường

Nhiều ý kiến của đại diện các hiệp hội, hợp tác xã nông nghiệp đã được gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội liên quan đến chính sách hỗ trợ Hợp tác xã, mô hình kinh tế, chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đưa các sản phẩm chủ lực của Thành phố tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Hiệp, Phúc Thọ đề nghị Thành phố quan tâm xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, xây dựng tem, nhãn hiệu để gắn trách nhiệm của người sản xuất và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Ông Trần Văn Bảy, xã Thọ Xuân, Đan Phượng mong muốn Thành phố có chính sách hỗ trợ để các cấp hội nông dân phát triển nhiều mô hình kinh tế, tránh trường hợp “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội nông dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cho biết, Hoài Đức hiện có 4 nhãn hiệu nông sản tập thể là: Phật thủ, nhãn chín muộn, bưởi Quế Dương và rau an toàn... Nhưng chủ yếu nông dân tự sản xuất, tự tiêu thụ, thiếu tính kết nối tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy người nông dân cần thiết có hỗ trợ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, có định hướng xuất khẩu để bảo đảm đầu ra, tăng thu nhập cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, thị trường Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn trong khi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được một phần nhỏ so với yêu cầu. Như rau củ quả tự sản xuất mới cung cấp được 65% nhu cầu, trái cây 30%, thịt bò 15%, thuỷ hải sản 3,8-5%...  Lượng sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội tự sản xuất chưa thể đáp ứng cho chính tiêu thụ trên địa bàn. Tuy nhiên người nông dân tại Hà Nội lại vẫn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Nguyên nhân được Phó Giám đốc Sở Công Thương nêu lên là nhiều sản phẩm chưa phân phối được đến tay người tiêu dùng, vùng sản xuất còn ít, tỷ lệ đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc truy xuất nguồn gốc chỉ đạt 30% trong khi đó yêu cầu người tiêu dùng địa bàn Hà Nội là phải truy xuất đc nguồn gốc. Bên cạnh đó thông tin quảng bá chưa bài bản, nhiều huyện có website quảng cáo nhưng chưa rộng rãi để đến được với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm có thương hiệu tập thể rồi nhưng việc đưa vào được chuỗi phân phối hiện đại (như BigC, Aeon Mall…) còn khó khăn…

Vì vậy, Sở Công Thương mong muốn Hội nông dân TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp cho Sở Công Thương thông tin đầy đủ về các vùng sản xuất, sản lượng trái cây hàng năm để Sở Công Thương xác định sản phẩm đủ tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng để đưa vào chuỗi phân phối hiện đại, như vậy, sản phẩm mới có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm Hợp tác xã rau quả an toàn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Gia Huy

Sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng phải đáp ứng tiêu chí xuất khẩu

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc đại diện nông dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đô thị lớn, trong đó khu vực nông thôn chiếm 83% diện tích và dân số 60%. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đến nay số người làm trong lĩnh vực nông nghiệp từ 4,5 triệu người năm 2008 xuống còn 3,8 triệu người năm 2017.

Phát triển về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội trong những năm qua đạt được kết quả tự hào và khởi sắc, đặc biệt là trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã đạt mức cao so với cả nước, cơ cấu kinh tế chủ yếu là dịch vụ và công nghiệp. Giá trị nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm đi nhưng chất lượng tăng lên thể hiện ở thu nhập bình quân là 239 triệu đồng/ha,là một trong nhưng địa phương có thu nhập bình quân cao của cả nước.

Hà Nội đã hình thành vùng chuyên canh, chuỗi liên kết với 150 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 71 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm... là những nỗ lực của người nông dân và hội nông dân các cấp… không những đáp ứng 69% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của Thành phố mà còn đưa ra các địa phương khác của cả nước.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, chế biến sản phẩm chưa đồng bộ nên nhiều năm vẫn còn tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

“Đã tham gia vào thị trường rộng lớn là phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, như vậy phải phát triển hệ thống nông nghiệp của Hà Nội đồng bộ, cụ thể là Hà Nội còn thiếu ở khâu chế biến. Bên cạnh đó thị trường chưa đa dạng, phải đặt chất lượng sản phẩm đến mức xuất khẩu, bảo đảm ngang bằng với thế giới thì mới cạnh tranh được. Sản phẩm bán ở trong nước cũng phải hướng đến tiêu chí đủ chất lượng xuất khẩu”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Hội nông dân các cấp và các Sở, ngành liên quan rà soát lại công tác đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường; chủ động rà soát lại các cơ chế chính sách, các nghị quyết đã ban hành, rà soát xem các chính sách nếu đã đi vào được cuộc sống thì có đem lại hiệu quả hay không. Bên cạnh đó là thay đổi công tác tuyên truyền, công tác này phải thay đổi dược tư duy cho người nông dân để học nhau cách làm ăn ngay từ chính các mô hình tiên tiến tại địa phương.

Liên quan đến phản ánh của người nông dân tại thị xã Sơn Tây về việc đã thành lập được các dự án trại chăn nuôi nhưng thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường, khai thác nguồn nước cho dự án khó khăn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu lãnh đạo địa phương cử ngay đoàn công tác xuống kiểm tra, xác định vướng mắc để giải quyết có trách nhiệm và hiệu quả.

Gia Huy-Đỗ Hương

Top