Hướng tới một đô thị thông minh, hiện đại

17/07/2018 11:55 AM

(Chinhphu.vn) – Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hiện Hà Nội đã bước đầu quan tâm đến việc xây dựng Thành phố thông minh bằng việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố và ứng dụng giao thông thông minh với mong muốn hướng tới sự bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân.

Hà Nội hướng tới một đô thị thông minh, hiện đại. Ảnh: Thành Nam

Cần lấy con người làm cốt lõi

Giai đoạn hiện nay, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng từng phần trong một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất đang gặp phải là thiếu nguồn nhân lực hiểu biết và được đào tạo chuyên nghiệp, đủ khả năng vận hành, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề nhân sự cho đô thị thông minh không chỉ đơn giản là đào tạo một lớp cán bộ, công chức biết dùng các thiết bị thông minh.

Thạc sỹ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ, cần có cách tiếp cận chiến lược đối với vấn đề nguồn lực nhân sự. Trước hết phải có định hướng phát triển đô thị thông minh một cách rõ ràng, hoạch định kiến trúc tổng thể bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống như: Giao thông thông minh; Y tế thông minh; giáo dục thông minh. Từ đó có kế hoạch lựa chọn cả về số lượng, chất lượng nhân sự rồi đào tạo chuyên sâu. Chuẩn bị nguồn lực nhân sự phải song hành với xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức phải là những người đầu tiên được đào tạo, có hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin.

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ 4.0 tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Long, đại diện Hội Khoa học & Chuyên gia Việt Nam thông tin, theo tính toán đến năm 2055 dân số thế giới sẽ có hơn 10 tỷ người, nếu không có cơ chế kiểm soát dữ liệu sẽ không thể quản lý hiệu quả đối với lượng dân số khổng lồ trên. Hà Nội có thể thực hiện ngay đó là phân tích, giải phẫu những điểm mạnh của Thành phố để thực hiện. Giải pháp có thể thực hiện ngay đó là xây dựng hệ sinh thái kinh tế tri thức, lấy công dân thành phố làm mục tiêu chính, bảo đảm nhu cầu sinh sống, học tập, giải trí của họ… quy hoạch không gian hiệu quả để người dân có thể thoải mái bên trong nơi mình sinh sống.

Góp ý cho chương trình phát triển đô thị thông minh của Hà Nội, Trưởng ban phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem nhấn mạnh: “Không có đô thị thông minh nào trên thế giới chỉ dựa vào công nghệ, mà nền tảng con người rất quan trọng, cần lấy con người làm cốt lõi”.

Giám đốc Công nghệ, đô thị số & an ninh nội địa, Dell EMC Martin C. Yates chia sẻ, nhân sự là một yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng, vận hành, quản lý đô thị thông minh. Ví như Singapore, để vận hành được đô thị thông mình phải cần đến khoảng 10.000 cán bộ, công chức được đào tạo, chuyển giao kỹ năng về công nghệ thông tin, đặc biệt là đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực hành chính công.

Đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti  cho rằng, xét trên khía cạnh nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo là vấn đề then chốt, vì điều cốt yếu là mọi người phải nâng cao kỹ năng đáp ứng cho công việc sử dụng công nghệ cao. Do đó, Chính phủ, Chính quyền đô thị, các nhà cung ứng công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục cần hợp tác chặt chẽ trong quá trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.

Xây dựng giao thông thông minh

Trong phiên đối thoại về chính sách tại Diễn đàn cấp cao, ông Chung cũng chia sẻ chi tiết về những công việc mà Hà Nội đang thực hiện để xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, hiện UBND Thành phố đang thực hiện xây dựng các kế hoạch số hóa toàn bộ các dữ liệu hiện có của thành phố.

“Chúng tôi đã tiến hành xây dựng và hợp tác với công ty về công nghệ thông tin và viễn thông trên địa bàn thành phố để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ cho người dân cũng như cho việc điều hành của thành phố”, ông Chung nhấn mạnh.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi nhằm phục vụ cho điều hành của thành phố như cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai, cơ sở dữ liệu về quản lý của thành phố. Hà Nội cũng đang triển khai dịch vụ phục vụ cho quản lý điều hành của thành phố. Chẳng hạn như dịch vụ liên quan đến hệ thống iParking - quản lý toàn bộ dịch vụ đỗ xe; xây dựng toàn bộ việc quản lý điều hành giao thông thành phố, du lịch thông minh...

Về xây dựng giao thông thông minh, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2018 hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản. Cụ thể, Thành phố hoàn thành các hạng mục: Hệ thống thông tin giao thông tích hợp của TP. Hà Nội; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; thử nghiệm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông.

Thành phố cũng sẽ triển khai hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh TP. Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục triển khai diện rộng dịch vụ iParking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn...

Tiếp theo là hệ thống du lịch thông minh do Tập đoàn VNPT triển khai. Trong đó, đặt ra mục tiêu năm 2018, hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống du lịch thông minh (bản đồ số, cổng thông tin du lịch...).

Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã, đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, xây dựng cơ chế, quy định về chức năng hoạt động, thực hiện đào tạo nhân lực... nhằm phục vụ cho việc phối hợp triển khai, vận hành hoạt động các hạng mục của thành phố thông minh. Như vậy, hình hài về một “Hà Nội - đô thị thông minh” sẽ là hiện thực trong một tương lai không xa.

Thành Nam

Top