Huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

29/06/2019 8:22 AM

(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20/5/2019, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể: Tổ chức tuyên truyền kịp thời Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20/5/2019, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 42/NĐ-CP, ngày 18/6/2019, của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, khống chế dịch bệnh.

Rà soát những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện việc khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả những tồn tại, hạn chế (nếu có) tại cơ quan, đơn vị. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kế hoạch tổng thể về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kế hoạch phải đảm bảo đủ các nguồn lực cần thiết phục vụ phòng, chống dịch bệnh như nhân lực, kinh phí, vật tư, hóa chất...; phù hợp với với đặc điểm tình hình, tính chất của dịch bệnh, điều kiện thực tế của các vùng, địa phương, đơn vị, đảm bảo khả thi, đúng quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, củng cố hệ thống thú y các cấp và tăng cường năng lực hệ thống thú y cơ sở đủ sức thực thi nhiệm vụ. Thành lập, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, cơ sở đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân... khi cần thiết) trong công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch.

Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là lực lượng tiêu hủy lợn bệnh, lực lượng chốt kiểm dịch. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, đặc biệt tại địa phương có dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu lợn và sản phẩm lợn âm tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi; giảm áp lực về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đó giảm số lượng bệnh phải tiêu hủy, góp phần giảm thiểu tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh hon nữa công tác hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, các biện pháp an toàn sinh học, không được chủ quan, lơ là, không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý nhiệt trong chăn nuôi lợn; tập trung bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là các đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ... để phục vụ tái đàn khi hết dịch

Nghiên cứu, từng bước thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển các loại vật nuôi khác nhằm bù đắp thiếu hụt thịt lợn; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, chăn nuôi VietGap để đáp ứng nhu của người dân trên địa bàn thành phố.

UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành coi công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay và thời gian tới; phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh với phương châm “dập dịch như chống giặc”; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh.

Minh Hương

Top