Huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô

17/02/2018 12:41 PM

(Chinhphu.vn) – Để làm nền tảng giải quyết căn cơ vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay và tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tiếp tục chú trọng đầu tư hạ tầng khung với số vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, đâu sẽ là lời giải cho đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng khung cho giao thông Hà Nội?

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Nhân dịp Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước sang năm mới Mậu Tuất, phóng viên Chuyên trang Thủ đô Hà Nội đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội về các giải pháp thu hút nguồn lực cho xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần giảm tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô hiện nay.

Thưa ông, đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này xem là giải pháp cơ bản nền tảng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Văn Viện: Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thành hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, như: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường 5 kéo dài, đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Vĩnh Thịnh, cầu Phù Đổng 2, cầu Nhật Tân; Nhà ga T2 Nội Bài...Thành phố cũng đã ưu tiên nguồn lực, chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng  góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, từng bước tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.100 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2.000 km. Diện tích đất dành cho giao thông tăng bình quân 0,3%-0,5% diện tích đất đô thị/năm. Tuy nhiên đến nay tỷ lệ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65%, trong khi để bảo đảm lưu thông thông suốt cho một đô thị, tỷ lệ cần thiết là 20%. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh rất thấp, chỉ khoảng 0,2% đất xây dựng đô thị.Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình vận tải hành khách đô thị chính trên địa bàn Thành phố, mạng lưới xe buýt hiện có hàng trăm tuyến nhưng mới đáp ứng khoảng 6%-8% nhu cầu đi lại của người dân.

Thực tế, Thủ đô Hà Nôi đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, rất nhiều các công trình đang xây dựng, cùng với tình trạng ùn tắc giao thông dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, càng ngày càng tạo áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.Với quy mô dân số tăng thêm có thể đạt mốc 8 triệu, vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông sẽ vẫn là vấn đề nan giải khi hệ thống và kết cấu giao thông của Thành phố chưa phát triển đầy đủ.

Trước thực trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết căn cơ bài toán này. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/3/2016. Đồ án được xây dựng trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội và có mở rộng ra vùng phụ cận, bao gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; quy hoạch vận tải hành khách công cộng; quy hoạch hệ thống bến, bãi đỗ xe. 

Đồ án Quy hoạch quan trọng này đặt mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí bền vững - đồng bộ - hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Trong đó ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy rằng tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu (GTK) đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, Hà Nội đã xác định việc phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung là mục tiêu rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã khẩn trương xây dựng và ban hành “Chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTK trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030’’. Dự kiến giai đoạn 2017-2021, tổng mức đầu tư vào hạ tầng riêng cho công trình PPP trên địa bàn TP. Hà Nội cần 135.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20%.

Thưa ông, với nguồn vốn hạn hẹp như vậy, Hà Nội có giải pháp gì để có thể hoàn thành các dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo Quy hoạch và theo Chương trình Thành phố đã đặt ra?

Ông Vũ Văn Viện: Vừa qua HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 của Thủ đô, danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương, trong đó có các công trình giao thông trọng điểm. 

Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu của Bộ tham gia thi công các công trình trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết, nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu mà Chương trình tổng thể đã đề ra.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia qua nghiên cứu kinh nghiệm huy động vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông khá thành công của các nước. Đó là không có một giải pháp nào tồn tại đơn lẻ, do đó cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Để vượt khó, Hà Nội sẽ vận động bằng tất cả nội lực của mình, đồng thời tìm kiếm vốn đầu tư từ nguồn khác nhau.

Hà Nội đang tập trung rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố trên cơ sở phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050; lựa chọn các công trình giao thông quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp khả năng huy động nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, tạo sự liên kết và phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phát triển kinh tế vùng Thủ đô; hoàn thiện cơ chế quản lý, khuyến khích và thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhằm đầu tư cho hệ thống hạ tầng GTK.

Theo ông, đầu tư hạ tầng giao thông thường cần rất nhiều thời gian và nguồn vốn lớn, các công trình giao thông khi triển khai xây dựng cũng chính là nguyên nhân gây ra ùn tắc, vậy làm sao có thể cùng lúc song song thực hiện việc đầu tư hạ tầng khung cùng với giảm ùn tắc nhanh chóng?

Ông Vũ Văn Viện: Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã xác định, tại thời điểm hiện nay, nhiệm vụ cốt yếu là phải triển khai tốt Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cập nhật, hệ thống hóa danh mục công trình đầu tư công trung hạn, trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020.

Kết cầu hạ tầng giao thông bao gồm cả phần cứng (các công trình) và phần mềm (các tiêu chuẩn, chính sách quản lý an toàn, hiệu quả).

Trong quản lý và duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng hiện hữu rất cần có các giải pháp hiệu quả, các công nghệ hữu ích để phát huy tối đa giá trị, khả năng khai thác của các công trình giao thông, vừa đảm bảo tính hiệu quả, vừa đáp ứng các yêu cầu về an toàn.

Ngoài ra, cần cải cách nhanh các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công trình xây dựng cơ bản, các dự án rút ngắn thời gian thi công, rút ngắn quá trình sử dụng vốn, đẩy nhanh việc luân chuyển dòng vốn. Trong số các giải pháp đã nêu bao gồm việc huy động vốn cho hạ tầng như kinh nghiệm các nước trên thế giới đã làm.

Hà Nội hiện đã đề ra những giải pháp tổng thể trong việc khắc phục và giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô Hà Nội trong dài hạn. Theo đó, bên cạnh việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ nghiên cứu  tổ chức giao thông hợp lý trên cơ sở tổ chức kết cấu hạ tầng giao thông nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; phát triển giao thông công cộng, trên cơ sở đó hạn chế giao thông cá nhân; tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông.

Đăc biệt, thời gian qua Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh gắn với xây dựng thành phố thông minh. Do đó, nhiệm vụ mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới là tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào trong ứng dụng giao thông thông minh; ứng dụng các tiện ích, xây dựng bản đồ số; các dịch vụ kết nối, tìm kiếm thông tin giao thông. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, làm sao tiện lợi cho công tác khai thác cũng như kết nối với người dân, giám sát việc tổ chức giao thông, phục vụ việc phân tích số liệu để tổ chức điều hành giao thông.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top