Huyện Gia Lâm: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng văn minh đô thị

24/11/2023 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua cùng với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, huyện Gia Lâm luôn chú trọng, định hướng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng văn minh đô thị.

Sức hút chuyển cư từ nội đô sang Gia Lâm ngày càng lớn

Mới đây, tại kỳ họp thứ XIII HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện. Đây là kết quả tất yếu sau những nỗ lực bứt tốc về mặt hạ tầng, giao thông khu vực trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Huyện Gia Lâm: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng văn minh đô thị- Ảnh 1.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, kết nối tam giác kinh tế vùng Đông Bắc gồm Hải Phòng- Hải Dương - Quảng Ninh, Gia Lâm được xác định là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Ảnh minh họa

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, kết nối tam giác kinh tế vùng Đông Bắc gồm Hải Phòng-Hải Dương-Quảng Ninh, Gia Lâm được xác định là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô. Cụ thể, Gia Lâm định hướng trở thành trung tâm mới, là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội trên cơ sở phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế… gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao. Xây dựng Gia Lâm trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao trên cơ sở bảo đảm yếu tố bền vững và cảnh quan môi trường.

Cùng với chủ trương quy hoạch của thành phố, hàng loạt công trình hạ tầng, giao thông, khu đô thị… được triển khai xây dựng và đi vào vận hành, thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực.

Mới đây, cầu Vĩnh Tuy 2 có mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng đã chính thức đi vào vận hành. Nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1, cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,5km kết nối đường vành đai 2 trên cao, kết nối từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển từ Gia Lâm vào nội đô chỉ khoảng 20 phút. Đây được xem là cú hích thu hút chuyển cư từ nội đô sang Gia Lâm ngày càng lớn.

Kết hợp với các tuyến metro chạy qua khu vực như tuyến Metro 1 (đoạn Gia Lâm - Dương Xá), tuyến Metro 8 (đoạn Sơn Đồng - Dương Xá) và mạng lưới cầu đường: cầu Đuống, cầu Ngọc Hồi, quốc lộ 5, vành đai 3… đã, đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới giúp kết nối toàn bộ Gia Lâm với khu vực trung tâm nội đô cũng như các tỉnh lân cận.

Cú chuyển mình ngoạn mục của Gia Lâm trong vài năm trở lại đây tạo lực đẩy cho dòng tiền đầu tư đổ về khu vực, với sự góp mặt của nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Ecopark, Sunshine Group, Handico 5… kiến tạo trung tâm kinh tế, mua sắm, giải trí mới bên kia sông Hồng, thu hút chuyển cư lớn, chất lượng cao từ nội đô tìm về.

Thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng, giao thông khu vực

Chú trọng vào việc thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực, huyện Gia Lâm đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng, tập trung chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đồng bộ với hệ thống hạ tầng. Diện mạo đô thị khang trang, hiện đại đã và đang đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Gia Lâm trong giai đoạn mới.

Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Gia Lâm tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, các tuyến đường được chỉnh trang với hệ thống chiếu sáng đáp ứng công năng đô thị hiện đại. Nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành và kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của huyện, như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá 1, Khu đô thị Đặng Xá 2...

Cùng với sự phát triển chung của huyện Gia Lâm, kinh tế - xã hội tại các xã, thị trấn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ.

Đáng chú ý, hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ đã và đang tạo không gian đô thị hiện đại. Các tuyến giao thông trục chính được mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa 100%; hệ thống cung cấp nước sạch tới từng hộ dân; 100% số hộ được sử dụng lưới điện quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất; các tuyến đường ngõ xóm được lắp đèn chiếu sáng. Các khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng đã và đang đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và khu vực lân cận.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã Đặng Xá tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh". Cụ thể, năm 2022, Đặng Xá đã sử dụng nguồn kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng để cải tạo, chỉnh trang sân chơi, ao tại các thôn Kim Âu, Lời, Đổng Xuyên; cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình phụ trợ trong trụ sở UBND xã, khuôn viên nhà văn hóa thôn Đổng Xuyên. Năm 2023, các thôn Đặng, Đổng Xuyên, Hoàng Long, Kim Âu vận động nhân dân đóng góp, xã hội hóa để xây dựng đường làng, ngõ xóm, sân bóng đá, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa, công cộng, lắp camera an ninh... tổng trị giá 1,6 tỷ đồng.

Đặng Xá cũng đang được huyện đầu tư các dự án: Xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở; xây dựng trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn: Nhân Lễ, An Đà; cải tạo ao hồ trên địa bàn xã, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch...

Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Nguyễn Thị Nam cho biết, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển sản xuất trên địa bàn; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc để Đặng Xá hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại sau khi trở thành phường.

Trong khi đó, xã Bát Tràng đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí phường. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch, góp phần nâng thu nhập bình quân toàn xã năm 2023 lên 86,4 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020.

Cùng với tập trung tối đa mọi nguồn lực trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 11 tỉ đồng để tôn tạo các công trình văn hóa, nâng cấp giao thông khu dân cư...

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại

Là địa phương được thành phố Hà Nội lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, đại diện UBND xã Dương Xá cho hay, để đạt được mục tiêu trên, xã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin.

"Dương Xá đã đạt 18/18 tiêu chuẩn phường và ngay sau khi huyện Gia Lâm trở thành quận, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng đô thị thông minh. Mặc dù chưa có quy định cụ thể, nhưng Dương Xá sẵn sàng "đi trước, đón đầu", tập trung xây dựng hạ tầng thông minh hướng tới đồng bộ, hiện đại.

Trước mắt, xã thí điểm xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Khu đô thị biển hồ Vinhomes Ocean Park - Gia Lâm (có 50ha nằm trên địa bàn Dương Xá). Tại khu đô thị này đã có những ưu điểm vượt trội và tiện ích nổi bật, như: Trung tâm thương mại Vincom, biển hồ nước mặn, cảnh quan bờ hồ điều hòa, Quảng trường Lagoon... đang phát huy lợi thế trong phát triển du lịch, là tâm điểm kết nối các vùng lân cận phía Đông của Hà Nội..

Trong khi đó, xã Bát Tràng với đặc điểm lịch sử, văn hóa và quá trình hình thành, phát triển làng nghề lâu đời, đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Bát Tràng gắn với du lịch, dự kiến mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 120ha.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, theo Đề án thành lập quận Gia Lâm, xã Bát Tràng sẽ hợp nhất với xã Đông Dư để thành phường mới. Đây cũng là điều kiện quan trọng giúp điểm du lịch Bát Tràng có thêm dư địa để mở rộng quy hoạch, hướng tới xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần bảo tồn, giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa Việt Nam và làm tăng thêm giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, lập quy hoạch phân khu sau khi Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt. Đồng thời, huyện phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng yêu cầu thành lập quận Gia Lâm.

Huyện cũng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, công trình công cộng, nhà ở..., bảo đảm định hướng phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại và bền vững.

Thùy Chi

Top