Kế thừa và phát huy hiệu quả các chương trình công tác của Thành ủy

30/09/2020 5:52 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 30/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình số 03-CTr/TU, 06-Ctr/TU, 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Đây là Chương trình số 03-CTr/TU về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”; Chương trình số 06-Ctr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”; Chương trình số 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy. Ảnh: Thùy Linh

Góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ vào cuộc sống

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt, phóng sự tổng hợp về kết quả nổi bật của 3 chương trình. Theo đó, việc thực hiện 3 chương trình số 03-CTr/TU, 06-CTr/TU, 08-CTr/TU đạt nhiều kết quả rõ nét, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố vào cuộc sống.

Về Chương trình 03-CTr/TU, sau 5 năm thực hiện, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung cả nước. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 7,39%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2019 đạt 971,67 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thu hút được 25,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 4,08 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019; lũy kế số dự án FDI còn hiện lực là 6.278 dự án, với tổng số vốn đạt trên 47,7 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nâng dần qua từng năm. Cơ cấu các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thành phố chỉ đạo quyết liệt.

Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế -xã hội, chỉ tiêu số lượng khách du lịch hằng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. 2 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. 7 chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Về Chương trình 06-CTr/TU, Ban Chỉ đạo đã xây dựng danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, trong đó có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12 dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2021-2022.

Các dự án của Hà Nội đã và đang triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP hoặc xã hội hoá BT hiện dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư. Cụ thể, về vận tải hành khách công cộng, đến nay Hà Nội sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến bảo đảm bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Thành phố cũng đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo và có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng…

Về Chương trình 08-Ctr/TU, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá đối với 261 thủ tục hành chính (TTHC); thông qua phương án đơn giản hóa đối với 183 TTHC, tiết kiệm cho người dân, tổ chức 201,5 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2020, Thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 Sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang Sở, giảm 65 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn thành phố đạt 8,7%.

Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019) tăng 7 bậc so với năm 2015. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80% và về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy. Ảnh: Thùy Linh

Cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, những kết quả đạt được từ 3 Chương trình 03, 06, 08 của Thành ủy là thành quả của sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở, sự trách nhiệm, sát sao của các Ban chỉ đạo.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, nhiệm vụ đề ra của các Chương trình 03, 06, 08 không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách của nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là vấn đề hết sức cơ bản, lâu dài của Đảng bộ Thành phố trong những giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, tại dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy, trong đó kế thừa và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình 03, 06, 08 của Thành ủy khóa XVI để ban hành 04 Chương trình công tác có liên quan trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội Thành phố cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Về công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Triển khai Chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn. Đổi mới công nghệ trong duy trì vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải đô thị. Tiếp tục đầu tư, phát triển và duy trì hệ thống cây xanh đô thị nhằm cải thiện môi trường và tạo điểm nhấn đô thị...

Về cải cách hành chính, cần chủ động xây dựng Chương trình, Kế hoạch CCHC của Thành phố giai đoạn 2020-2025 theo sự chỉ đạo của Chính phủ gắn với Đề án Thí điểm mô hình quản lý chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện các TTHC;…

Thùy Linh

Top