Kết nối cung cầu hàng hóa: Bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân

09/12/2019 4:02 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, nhằm triển khai chương trình bình ổn thị trường, chủ động nguồn hàng phục vụ người dân, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình kết nối, hợp tác thương mại với các địa phương. Hiệu quả của chương trình này càng được phát huy trong dịp Tết, khi sức mua tăng cao nhưng nguồn cung vẫn ổn định, không gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường.

Người tiêu dùng được mua hàng hóa bảo đảm chất lượng. Ảnh: Bích Phương

Không những vậy hoạt động này cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại.

Với khoảng 10 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thành phố Hà Nội rất lớn, đặc biệt là dịp cuối năm. Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố kết nối với hệ thống phân phối hiện đại; thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các sở, ngành tổ chức các chương trình giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương khác.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác triển khai việc hợp tác với các tỉnh, thành phố, như: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương... Nhiều loại nông sản, thực phẩm của các địa phương được các sở, ngành Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng, khách sạn…; được người tiêu dùng Thủ đô biết, ưu tiên lựa chọn.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết, Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn) đã hỗ trợ đưa thông tin của 300 đơn vị, hơn 400 điểm bán hàng uy tín, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam. Qua việc kết nối này, các sản phẩm của nhiều tỉnh, như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng tại thị trường Hà Nội. Có 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã tiếp cận, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối VinMart, Big C, Saigon Co.op Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch… Thực tế, nông dân các địa phương bảo đảm ổn định đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập.

Trong giai đoạn 2018-2019, thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội; đã có hơn 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ.

Việc giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các địa phương năm 2019 là hoạt động cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao. Kết quả đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực của các sở, ban, ngành thành phố trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời kết nối, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương, trong đó có nhiều đơn vị lần đầu tham dự đã giới thiệu các đặc sản nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng mới, chất lượng từ vùng núi phía Bắc cho tới miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...

Bên cạnh các hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp tham dự có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản; cũng như các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối… trước mắt nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Chương trình hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các địa phương sau nhiều năm triển khai đã khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn góp phần tạo ra nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng. Tuy vậy, trên thực tế, tại các địa phương hiện vẫn còn nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, đối tượng sản xuất lại là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó. Điều này cũng khiến đơn vị phân phối, nhà bán lẻ băn khoăn, khi muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối, tiếp cận với thị trường Thủ đô.

Do đó, để “nâng tầm” những sản phẩm đặc trưng này, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ chế biến phù hợp, đầu tư về mẫu mã, bao bì để sản phẩm trở nên chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng.

Có thể thấy, việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo sự kết nối giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành để cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung ứng gặp gỡ trực tiếp với nhà phân phối để tìm kiếm thị trường tiêu thụ; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, đa số sản phẩm của doanh nghiệp tham gia chương trình đều là sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap...

Bích Phương

Top