Kết nối doanh nghiệp phân phối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

12/02/2020 10:42 AM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, ngành Công Thương đã có nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản với các hệ thống và các hệ thống phân phối lớn đã thực hiện rất có hiệu quả. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh nCoV như hiện nay thì hoạt động này cần phải làm quyết liệt hơn vì sản lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ rất lớn.

Các siêu thị hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu. Ảnh: Bích Phương

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La,… trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh nCoV gây ra, mới đây Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp nhằm kết nối những doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 10/2, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) còn tồn hơn 100 xe trái cây; tại Cửa khẩu Kim Thành II (tỉnh Lào Cai) còn tồn 120 xe trái cây (thanh long, chuối, dưa hấu…). Hiện Bộ Công Thương đang làm việc với phía bạn để cuối tháng 2/2020 có thể thực hiện việc thông quan.

Chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Hiện các doanh nghiệp phân phối như: Hapro, Big C, Co.opmart, VinMart… cũng triển khai chương trình chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu tại siêu thị trong hệ thống, cửa hàng tiện ích tập trung tại Hà Nội. Dự kiến, lượng tiêu thụ đạt hơn 600 tấn.

Đại diện cho các các doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng. Năng lực tiêu thụ sản phẩm này của hệ thống Vinmart lớn hiện tại, bởi Vinmart còn hệ thống bán hàng qua Scan&Go và bán hàng qua mạng. Hiện mỗi ngày Vinmart tiêu thụ 250-300 tấn dưa hấu và thanh long.

Theo bà Đinh Hải Vân, Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Big C và Go) cho biết, từ ngày 5/2, tập đoàn đã hỗ trợ tiêu thụ 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần so với những ngày thường và 70 tấn ngày đối với mặt hàng thanh long ruột đỏ. Riêng trong ngày rằm tháng giêng vừa qua, hệ thống Big C bán 15 tấn thanh long ruột đỏ chỉ trong một buổi sáng.  Bà Vân khẳng định, toàn hệ thống Central Retail có thể phân phối tiêu thụ lượng nông sản lớn hơn hiện tại. Đặc biệt, Big C sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh vận chuyển hàng hóa ra các hệ thống của Big C để tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc hệ thống Saigon Co.op Hà Nội cho biết, từ ngày 5/2, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1.600 tấn. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng dưa hấu và thanh long phải chờ đợi nguồn cung, do vậy, đại diện SaigonCo.op mong muốn, các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.

Tuy nhiên, vấn đề sản lượng tiêu thụ và mặt hàng tiêu thụ và khả năng cung ứng ổn định của sản phẩm nông sản được đại diện các hệ thống quan tâm. Đây cũng là những điều kiện tiên quyết để các nhà tiêu thụ có thể tiêu thụ bền vững và dài hạn cho nông sản.

Lập danh sách sản phẩm cần hỗ trợ để kết nối tiêu thụ

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Công văn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản để ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (nCoV). Theo đó, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản giảm thiệt hại cho người nông dân, đơn vị sản xuất trong mùa vụ, Sở Công Thương đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thường xuyên cung cấp thông tin về nguồn cung các mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương trên cả nước có nguy cơ dự nguồn cung trong thời gian tới để Sở Công Thương phối hợp cùng các đơn vị phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối, tiêu thụ. Thường xuyên gửi thông tin về kết quả hỗ trợ kết nối, tiêu thụ của các doanh nghiệp, đơn vị phân phối các địa phương về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh, thành phố để tiếp tục phối hợp thực hiện.

“Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành chức năng địa phương lập danh sách sản phẩm cần hỗ trợ gửi Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn để hỗ trợ kết nối tiêu thụ; chỉ đạo các đơn vị có sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị.

Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội nhận được đề xuất hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản của các tỉnh Bình Thuận, Long An, Gia Lai tại thị trường Hà Nội. Về việc này, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nếu có nhu cầu hỗ trợ đưa nông sản, thủy sản vào các hệ thống phân phối tại thị trường Hà Nội tiếp tục gửi danh sách các đơn vị, hợp tác xã sản xuất kinh doanh về Sở Công Thương Hà Nội trước ngày 20/02/2020 để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản.

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối, các siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của các địa phương để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản nhất là sản phẩm: Thanh long, dưa hấu... đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối, tiêu thụ...

Bích Phương

Top