Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống

26/11/2018 3:00 PM

(Chinhphu.vn) – Sự kết nối giữa làng nghề của Hà Nội với các tỉnh, thành đã có từ lâu nhưng ở quy mô giữa các cơ sở, doanh nghiệp với nhau và tính liên kết còn yếu, không bền vững. Do đó, để khắc phục yếu điểm này, cần có sự hướng dẫn kết nối doanh nghiệp với các làng nghề truyền thống.

Cơ sở sản xuất đan lát tại làng Phú Vinh, Chương Mỹ. Ảnh: Thùy Linh

Thủ đô Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến là nơi tập trung nhiều làng nghề và có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước. Trong đó, đã có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã với các nghề như khảm trai, sơn mài, làm nón, điêu khắc gỗ, tơ lụa… nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời nhất cả nước.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng nghề đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội. Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn là nơi bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống từ đời này sang đời khác qua bàn tay tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của lớp lớp nghệ nhân, góp phần quan trọng trong bảo tồn các giá trị đặc sắc của dân tộc.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của du lịch văn hóa.

Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Hà Nội đang hướng tới xây dựng “Thành phố sáng tạo” với nền tảng là các ngành công nghiệp sáng tạo có mũi nhọn của Thủ đô. Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” mũi nhọn là một trong những nội dung quan trọng của đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô rất cần thiết sự kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Mới đây tại Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô”, nhiều doanh nghiệp, nghệ nhân cho rằng, cần tăng cường sự kết nối doanh nghiệp với việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội thời kỳ hội nhập phát triển; phát huy vai trò của chính quyền trong việc kết nối doanh nghiệp với làng nghề; vai trò của Hiệp hội trong thúc đẩy các hội viên;...

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có tính riêng biệt, đặc thù không nơi nào có được như: Gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (Hà Đông); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he (Xuân La), sừng (Thụy Ứng)…

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội về tình hình phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn năm 2017 cho thấy, tổng doanh thu từ 297 làng nghề truyền thống và một số làng nghề của Thành phố Hà Nội đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ, sơn son thếp vàng Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng đạt gần 2.000 tỷ đồng…

Để có được những thành công trên, các làng nghề Hà Nội đã kết nối chặt chẽ với các làng nghề, các địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của mình. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Thủ đô còn liên kết với các làng nghề thủ công mỹ nghệ của các tỉnh, thành khác để gia công sản phẩm hay gia tăng giá trị sản phẩm.

Thực tế cho thấy, sự kết nối giữa làng nghề của Hà Nội với các tỉnh đã có từ lâu nhưng ở quy mô giữa các cơ sở, doanh nghiệp với nhau và tính liên kết còn yếu và không bền vững. Sự thiếu liên kết giữa các vùng, các cơ sở sản xuất chuyên sâu đã làm ảnh hưởng không nhỏ, khó khăn cho sự phát triển của các nghề thủ công.

Để khắc phục yếu điểm này, ông Lưu Duy Dần cho biết, việc thực hiện được liên kết này không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất tự tìm đến nhau như hiện nay mà cần có sự tổ chức, hướng dẫn kết nối.

Trong khi đó, ở khía cạnh phát triển du lịch làng nghề, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, trong bối cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trở thành một địa điểm du lịch mới hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và một số sản phẩm làng nghề xuất khẩu của Hà Nội được đánh giá cao như mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài, chạm khảm… thì việc giải quyết những khóa khăn thách thức tồn đọng được đặt ra là vô cùng cấp bách.

Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất chính là tăng cường kết nối doanh nghiệp với phát triển du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Doanh nghiệp chính là đơn vị nắm được nhu cầu, nắm được sở thích cũng như thói quen mua sắm của đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hiểu được sự hiệu quả từ việc khai thác các yếu tố then chốt của làng nghề truyền thống làm hấp dẫn du khách. Đặc biệt, doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào chính là nhà đầu tư tốt nhất, tiềm năng nhất để cải tạo, phát triển làng nghề theo hướng du lịch.

Thùy Linh

Top