Kết nối đưa sản phẩm hàng hóa của Hà Nội sang Viêng Chăn (Lào) và ngược lại

04/07/2023 8:35 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 4/7, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Hà Nội, Sở Công Thương Viêng Chăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và Sở Công Thương Hà Nội đã thăm quan, khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, làng nghề của Hà Nội.

Kết nối đưa sản phẩm hàng hóa của Hà Nội sang Viêng Chăn (Lào) và ngược lại - Ảnh 1.

Các đại biểu thăm quan một số sản phẩm hàng Việt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông. Ảnh: VGP/TL

Đoàn công tác đã khảo sát tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, Làng nghề lụa Vạn Phúc-Hà Đông… và tham dự Lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề tại Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, trong những năm gần đây, thị trường một số nước ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) và một số nước lớn đang bị thu hẹp, do đó Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu thông qua những nước nhỏ, bởi những thị trường này có tính chất tương đồng với Việt Nam sẽ dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.

Theo bà Phương Lan, Việt Nam và Lào đã thiết lập những mối quan hệ rất tốt trong thời gian qua, do đó những sản phẩm của Việt Nam đưa sang thị trường Lào cũng được đón nhận và tiêu thụ rất mạnh. TP. Hà Nội cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Lào kết nối, đưa sản phẩm hàng hóa sang thị trường Việt Nam.

Trong Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) ký kết giữa Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Viêng Chăn, hai bên đang thúc đẩy các lĩnh vực chính, đó là giúp cho các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội phát triển các vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu để sản xuất hàng  thủ công mỹ nghệ như gốm, mây tre đan và một số ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, đang kêu gọi xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam, kết nối để đưa sản phẩm hàng hóa của hai nước vào hai Thủ đô, phục vụ nhu cầu của người dân.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội thường xuyên có những kết nối giao thương và thường xuyên xúc tiến sang thị trường Lào. Đây là thị trường sắp tới chúng tôi đánh giá rất tiềm năng đối với thị trường Hà Nội", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, khi đến Việt Nam, các bạn Lào cũng muốn tìm hiểu những mô hình phân phối của Việt Nam và của các nước. Do đó, buổi thăm quan, khảo sát này sẽ giúp các bạn Lào thấy được hàng Việt Nam đã hiện diện và đứng vững trong thị trường Việt, đặc biệt là tại các hệ thống siêu thị lớn như AEON Mall, Lotte, Big C,…Qua đó, khẳng định được thương hiệu hàng Việt.

Kết nối đưa sản phẩm hàng hóa của Hà Nội sang Viêng Chăn (Lào) và ngược lại - Ảnh 2.

Khảo sát tại làng nghề Vạn Phúc-Hà Đông. Ảnh: VGP/TL

Để người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tiếp cận được sản phẩm hàng hóa Lào thì rất cần việc kết nối, xúc tiến thương mại để đưa được những sản phẩm Lào sang thị trường Việt Nam, trước hết qua kênh phân phối trên thị trường Hà Nội và Việt Nam.

Giám đốc Sở Công Thương Viêng Chăn Vanmany Phimmasan cho hay, sau khi hai Thủ đô đã có bản ghi nhớ thì giữa hai Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Viêng Chăn cũng đã có bản ghi nhớ riêng. "Sau chuyến thăm và làm việc lần này chúng tôi kỳ vọng sẽ có gian hàng Hà Nội-Viêng Chăn và ngược lại là Viêng Chăn-Hà Nội. Chúng tôi là "cầu nối" kết hợp doanh nghiệp hai bên cung cấp chuỗi sản phẩm, đặc biệt là về các làng nghề thủ công mỹ nghệ", bà Vanmany Phimmasan nói.

Sau buổi thăm quan, khảo sát làng nghề thủ công mỹ nghệ, bà Vanmany Phimmasan đánh giá, các làng nghề Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã giữ gìn được bản sắc lâu đời, nhiều làng nghề được duy trì và phát huy một cách rất hiệu quả…

Thùy Linh

Top