Kết nối nông sản an toàn với các địa phương

27/09/2018 11:41 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng Thủ đô là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, phân phối mặt hàng này gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối nông sản an toàn với các địa phương.

Các doanh nghiệp giới thiệu nông sản an toàn. Ảnh: Diệu Anh

Trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho giá trị từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 60%, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài.

Ngoài 128 siêu thị, 600 cửa hàng tiện ích, các kênh phân phối nông sản phần lớn qua các chợ  đầu mối, chợ dân sinh. Các hộ thương lái kinh doanh nhập những mặt hàng nông sản từ các nơi sản xuất, sau đó bán lẻ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc... gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay, việc kết nối nông sản ở các tỉnh, thành phố với Hà Nội vẫn còn khó khăn do một số sở NN&PTNT tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hằng năm. Việc thu hút các doanh nghiệp của thành phố đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chưa phát triển. Một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện.

Số lượng nông sản cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế. Nguyên nhân do các tỉnh, thành phố cơ bản chưa có đơn vị, bộ phận chuyên làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp để có đầu mối duy trì phối hợp thường xuyên, điều phối kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng thiếu thông tin về các kênh cung ứng sản phẩm an toàn nên không biết địa chỉ mua thực phẩm an toàn...

Vì vậy, ngoài các hội nghị tuyên truyền về nâng cao kỹ năng nhận diện về tiêu dùng thực phẩm sạch, các đơn vị của Sở NN& PTNT Hà Nội đã tổ chức cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố  đi thăm những mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị. Qua đó, giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin, tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, nâng cao uy tín cho nông sản sạch...

Liên kết, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng

Mới đây, tại diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội vừa tổ chức, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ rau an toàn bày tỏ mong muốn được Thành phố hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Diễn đàn cũng là cơ hội để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được trao đổi, chia sẻ, liên kết hợp tác.

Quan trọng hơn, đây còn là cơ hội giúp người tiêu dùng có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, từ  đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín.

Một giải pháp để đưa nông sản đến gần với người tiêu dùng hơn là Hà Nội đã ra mắt website nongsanantoan.hanoi.gov.vn. Tại đây, những thông tin về nông sản an toàn được cập nhật đầy đủ, cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội kinh nghiệm nhận diện nông sản sạch, an toàn bằng mã truy xuất điện tử QR Code, giới thiệu các sản phẩm uy tín đã được kiểm nghiệm, từ đó kết nối các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết...

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Thành phố, để tiêu thụ nông sản, rau an toàn, việc các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, tăng về số lượng và chất lượng nông sản, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch là giải pháp cần thiết; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống bán lẻ hiện đại.

Diệu Anh

Top