Kết nối nông sản của HTX vào chuỗi bán lẻ của hệ thống Big C

09/04/2019 5:29 PM

(Chinhphu.vn) - Ngành hàng Việt Nam đã chiếm 96% tỷ trọng hệ thống của siêu thị.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Ngày 9/4, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Big C Việt Nam - một thành viên của Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại của Big C Việt Nam cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp các tỉnh phía Bắc”.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân phối bán lẻ, HTX nông nghiệp cùng nhau trao đổi thảo luận về: Cơ chế chính sách về HTX và liên kết tiêu thụ sản phẩm; xu hướng tiêu thụ sản phẩm của Big C Việt Nam; kinh nghiệm tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống Big C Việt Nam của một số HTX nông nghiệp…, qua đó, tiến tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày một hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, con số hơn 200 HTX tham dự Hội nghị chứng tỏ nhu cầu liên kết của HTX với chuỗi bán lẻ hiện đại nói chung và Hệ thống siêu thị Big C nói riêng là rất lớn.

Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Hội nghị kết nối sản phẩm nông sản của HTX với hệ thống siêu thị Big C sẽ giải quyết được nhu cầu từ cả hai phía, HTX và doanh nghiệp bán lẻ. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng được số lượng để cung cấp cho người tiêu dùng trên cả nước, trong khi đó, HTX mong muốn có đầu ra ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao về thông tin Siêu thị Big C sẽ thực hiện mức chiết khấu 0% đối với các HTX, hộ nông dân khi cung cấp vào hệ thống siêu thị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, doanh nghiệp và HTX phải thỏa thuận được điều này, HTX và doanh nghiệp phải tiến tới ký kết các hợp đồng, thống nhất để có thỏa thuận đưa hàng vào siêu thị.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, với chiến lược địa phương hóa, người địa phương được trao quyền điều hành trực tiếp kinh doanh và các sản phẩm bày bán ở siêu thị cũng được Big C thu mua tại khu vực lân cận nơi Big C đặt cửa hàng. Kết quả, ngành hàng Việt Nam đã chiếm 96% tỷ trọng hệ thống của siêu thị.

Trao đổi thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc, hợp tác tiêu thụ nông sản giữa Big C Việt Nam và các hợp tác xã. Ảnh: Thùy Linh

Với mong muốn góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, xây dựng thương hiệu và nâng tầm nông sản Việt… Big C luôn sẵn sàng, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các hộ nông dân và các HTX nông nghiệp trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, phát triển thị trường xây dựng thương hiệu bằng những hành động cụ thể như thu mua trực tiếp nông sản của các hộ nông dân, HTX với mức chiết khấu là 0%; Big C thường chọn lọc các mặt hàng phù hợp với các cửa hàng để đưa vào hệ thống bán lẻ trên toàn quốc của Big C… Hiện đã có 40 HTX đã có sự liên kết với Big C. Trong năm 2018, có những HTX có doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/tháng.

Đại diện Hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi, chuyển dịch không nhỏ trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại. Cụ thể, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sản phẩm bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem nhãn của nhà nước; sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm mùa vụ; sản phẩm nông sản sản xuất trong nước bắt đầu có xu hướng lấn sát các sản phẩm nhập ngoại; sản phẩm nông sản hữu cơ. Đây cũng là định hướng dành cho các HTX để phát triển và quy hoạch sản xuất trong thời gian tới.

Năm 2018 vừa qua, các chương trình Tuần hàng quảng bá các mặt hàng nông sản như Su su Nghệ An, cam Cao Phong, cà rốt Hải Dương… được triển khai tại các siêu thị Big C Việt Nam trên toàn quốc đã đạt được doanh số tiêu dùng ấn tượng (lên đến hàng trăm tấn mỗi chương trình). Người tiêu dùng ưu chuộng và hoàn toàn yên tâm khi mua các sản phẩm nông sản này vì có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, qua tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ.

“Hiện nay, thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá, người tiêu dùng trong chuỗi bán lẻ hiện đại ưu tiên dành sự quan tâm đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Bên cạnh đó, các chứng nhận quy chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP tạo nên sức cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở sản xuất, góp phần đẩy mạnh lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản”, phía đại diện Big C khuyến nghị.

Nhân dịp này đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc, hợp tác tiêu thụ nông sản giữa Big C Việt Nam và các HTX đã đáp ứng đầy đủ những quy trình, quy chuẩn về hàng hóa để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.

Thùy Linh

Top