Khí thải giao thông: Thủ phạm gây ô nhiễm không khí

10/03/2016 9:00 AM

(Chinhphu.vn) – Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng như các công trình xây dựng ở Thủ đô tăng lên đáng kể. Điều này đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng cao.

Khói từ các phương tiện giao thông là một trong những "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng 5,3 triệu xe máy, 560.000 xe ô tô đang lưu thông. Với số lượng phương tiện tham gia giao thông như vậy, lượng khí thải ra môi trường là rất lớn.

Theo quan sát của phóng viên trên một số tuyến đường nội đô như đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), đường Trường Chinh (quận Đống Đa), đường Giải Phóng, Tam Trinh (quận Hoàng Mai)... luôn trong tình trạng khói bụi mịt mù. Đặc biệt, vào những khung giờ cao điểm, tại các ngã tư, mật độ người tham gia giao thông lớn không những gây ùn tắc giao thông mà khí thải của các phương tiện phả ra khi dừng chờ đèn đỏ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông.

Từ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào xây dựng, con đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lúc nào cũng trong tình trạng “mờ” bụi khói. Cầm trên tay chiếc khẩu trang vẫn còn bám chút bụi, chị Nguyễn Thị Hằng, sống tại ngõ 521 Nguyễn Trãi cho biết: “Nhà tôi cách nơi làm việc rất gần, thông thường đi làm tôi ít khi dùng khẩu trang. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, không khí Hà Nội bụi bặm quá, nên tôi tự ý thức khi ra khỏi nhà luôn đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe bản thân”.

Cùng với bụi đường, lượng khí phát thải từ phương tiện giao thông, khói bụi từ những công trình đang thi công làm cho mức độ ô nhiễm không khí tại những khu vực này càng trở lên trầm trọng. Ông Hải, người sống lâu năm trên đường Trường Trinh cho biết:“Con đường này vốn đã chật hẹp, xe cộ thì đông, mấy năm nay lại có nhiều công trình xây dựng, khiến nơi đây bụi càng thêm bụi”.

Tuyến đường Tam Trinh, một tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô nhưng lại vô cùng chật hẹp, lượng phương tiện lưu thông đông khiến tuyến đường này thường xuyên rơi vào cảnh bụi bặm. Chị Hoa, chủ một cửa hàng thời trang ở đây cho biết, hàng ngày, tuyến đường này có rất nhiều phương tiện đi lại, các xe tải cỡ lớn cũng được phép lưu thông, nối đuôi nhau chạy trên đường, trong khi mặt đường nhiều điểm hư hỏng, “tung hỏa mù” cả tuyến đường.

“Đường thì chật hẹp, mỗi khi xảy ra ùn ứ giao thông là mùi xăng xe lại phả ra, xộc vào nhà rất khó chịu. Không những vậy, mỗi sáng đến mở cửa hàng là tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ để lau chùi bụi sàn nhà và cửa cuốn”, chị Hoa ngán ngẩm nói.

Cần sớm có giải pháp đồng bộ

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ô nhiễm không khí là một vấn đề rất đáng quan tâm, không chỉ tại Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Nguyên nhân của ô nhiễm không khí có thể do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với đó là sự gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông, các công trình xây dựng,...

Theo ông Dũng, việc quản lý chất lượng không khí là một quá trình lâu dài, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phải áp dụng nhiều biện pháp. Vấn đề này cũng đòi hỏi có sự chung tay của cả cộng đồng.

Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí không thể “một sớm một chiều”, mà cần phải có quá trình nghiên cứu mới xác định được mức độ ô nhiễm, nhận dạng được các quy luật diễn biến chất ô nhiễm và nguồn phát sinh thì mới đưa ra được hướng giải quyết.

Trước mắt, người dân cần phải tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng khẩu trang, sử dụng kính mắt khi ra đường. Đồng thời, nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch...

Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc Gia cho biết, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam vừa được tạp chí Nature công bố đang ở mức báo động. Theo tạp chí này, mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm môi trường liên quan đến khí thải giao thông.

Ông Hùng dẫn chứng: “Nhiều khi đi trên đường bắt gặp cảnh xe buýt nhả khói đen giữa giờ cao điểm mà đằng sau là hàng nghìn xe máy”. Do đó, với Hà Nội, ông Hùng cho rằng, biện pháp trước mắt cần sớm áp dụng tiêu chuẩn cao hơn trong kiểm soát khí thải xe buýt. Đồng thời, sớm xây dựng đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân...

Diệu Anh

Top